Đóng ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

27/10/2023 | 10:28 GMT+7

Tại phòng Diên Hồng, Quốc hội vừa tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Bà Lê Thị Thanh Lam phát biểu góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến, bà Lê Thị Thanh Lam, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, có một số trao đổi để Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo luật.

Bà Lam đề nghị, tại khoản 2, Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, cần bỏ cụm từ “dưới đáy biển” vì thừa không cần thiết, cho phù hợp với nội dung quy định tại khoản 4, Điều 2 đã có giải thích từ ngữ về danh muc lưu vực sông, danh mục nguồn nước. Đề nghị chuyển khoản 4, 5, 6, Điều 5 sang Chương VIII quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, như vậy sẽ phù hợp hơn.

Về phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch của tỉnh; theo quy định tại Điều 20 của dự thảo, các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức lập nội dung, phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch của tỉnh. Theo Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh, trong đó có tích hợp phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục tác hại do nước gây ra. Nội dung phương án được xây dựng trên cơ sở Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thi hành nên có thể những nội dung không còn phù hợp sau khi Luật Tài nguyên nước được sửa đổi, bổ sung lần này. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung vào điều khoản chuyển tiếp quy định về trường hợp này để các địa phương thực hiện đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với quy định.

Bà Lê Thị Thanh Lam cũng thông tin, tại khoản 1 Điều 27 dự thảo về bảo vệ chất lượng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác, đề nghị bổ sung cụm từ “thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản” vào sau cụm từ “thuốc thú y”.

Lý giải, bà nói vì trong quá trình sản xuất, ươm dưỡng và nuôi trồng thủy sản, người dân thường sử dụng các loại thuốc thú y, thủy sản và các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường để phòng trị bệnh, cải thiện chất lượng môi trường nước nuôi thủy sản.

Đồng thời, đề nghị bổ sung cụm từ “và nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” sau cụm từ “không được gây ô nhiễm” nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ và theo đúng quy định.

Phó trưởng Đoàn hoàn thiện điều luật: “Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản và các loại hóa chất khác trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không được gây ô nhiễm và nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.

Nói thêm về khoản 2 Điều 32 phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, bà Lê Thị Thanh Lam đề nghị bổ sung cụm từ “trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng tùy theo tính chất, mức độ có thể xem xét trách nhiệm hình sự” vào cuối khoản. Vì thực tế, thời gian qua một số tỉnh, thành phố khai thác, sử dụng nước dưới đất để phục vụ cho việc nuôi thủy sản. Cụ thể, khai thác nước ngầm để nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi lươn, về lâu dài sẽ gây ra hệ lụy và hậu quả rất nghiêm trọng như sụt, lún đất, suy thoái, làm biến động, mất cân bằng và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái tự nhiên.

Cũng đề nghị bổ sung nội dung dự thảo, bà Lê Thị Thanh Lam nói điểm d, khoản 1 Điều 58 về biện pháp sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, hiệu quả, cần bổ sung cụm từ “thủy sản” sau cụm từ “cây trồng”.

Giải thích thêm, bà nói vì hiện nay, nông dân đã sử dụng nguồn nước ngầm để nuôi lươn, qua việc thay nước hàng ngày sẽ tận dụng nguồn nước thải này để phục vụ tưới tiêu cho các loại cây trồng khác. Sau khi hoàn thiện, điều luật có nội dung: “Bố trí cơ cấu cây trồng, thủy sản, mùa vụ phù hợp với điều kiện nguồn nước; cải tiến, hợp lý hóa và áp dụng các biện pháp, công nghệ, kỹ thuật canh tác, xây dựng, duy tu, vận hành các công trình dẫn nước, giữ nước để tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp”.

T.THỨC - M. XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>