Cải thiện dinh dưỡng ở trẻ em góp phần nâng cao chất lượng dân số

15/01/2018 | 07:50 GMT+7

Hậu Giang đã có nhiều cố gắng và nỗ lực thực hiện các hoạt động cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) của trẻ em. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn những khó khăn nhất định.

Hoạt động thực hành dinh dưỡng giúp cho các bà mẹ nâng cao kiến thức chăm sóc trẻ.

Vai trò quan trọng của dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng trẻ em là một bệnh lý, chỉ ra tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài đã có ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm thần và vận động. Trẻ có biểu hiện thiếu tất cả các chất, mà rõ nhất là thiếu chất đạm, đó là tình trạng SDD mạn tính đã có ảnh hưởng đến chiều cao, thiếu phần lớn chất đạm và các yếu tố vi lượng khác kéo dài trong quá khứ và tất nhiên sẽ rất khó phục hồi trong tương lai. Di chứng SDD thể thấp còi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số trong tương lai nếu chúng ta không đầu tư nguồn lực đúng mức và có các can thiệp kịp thời. Tại Hậu Giang, số trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thể thấp còi có gần 16.000 trẻ, trong tổng số trên 63.700 trẻ, như vậy có khoảng 1/4 số trẻ dưới 5 tuổi bị SDD thể này. Tỷ lệ trẻ SDD thấp còi năm 2017 dự kiến giảm còn 24,8%, giảm 1,1% so với năm 2016.

Bên cạnh đó, dự kiến năm 2017, tỷ lệ trẻ SDD thể nhẹ cân của tỉnh giảm còn 12,6%. Năm 2005, theo số liệu công bố của Viện Dinh dưỡng Quốc gia hàng năm, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi của Hậu Giang theo thể nhẹ cân là 22,2% và tỷ lệ SDD thể thấp còi là 30,7%, như vậy, đã giảm 9,6% trẻ SDD thể nhẹ cân và giảm 5,9% trẻ SDD thể thấp còi qua 12 năm. Tỷ lệ SDD thể nhẹ cân đã giảm nhiều và thấp hơn so cả nước và ở mức trung bình trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tình trạng SDD thể thấp còi còn cao so với khu vực và cả nước.

Dự án Quốc gia về “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng giai đoạn 2015-2020 tầm nhìn đến năm 2030”, đã nhấn mạnh, dinh dưỡng có một vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cải thiện tầm vóc của con người, đặc biệt là dinh dưỡng ở bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh lý về dinh dưỡng ở giai đoạn này có ảnh hưởng nặng nề đối với sự phát triển về sau. Trong những năm qua, Hậu Giang đã tập trung vào một mục tiêu chính là giảm SDD thể nhẹ cân vì đây là vấn đề cấp bách trước mắt. Tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi là một chỉ số động và luôn biến đổi tăng hoặc giảm. Trẻ em từ 0-60 tháng tuổi là lứa tuổi phát triển nhanh, mạnh nhất về chiều cao, cân nặng và cũng là lứa tuổi dễ nhạy cảm với môi trường sống và yếu tố chăm sóc, nuôi dưỡng. Bệnh tật và dinh dưỡng luôn là mối đe dọa đến chỉ số này.

Việc làm cấp bách và lâu dài

Tại Hậu Giang, hoạt động phòng, chống SDD trẻ em dưới 5 tuổi chỉ mới quan tâm can thiệp ở thể nhẹ cân, các can thiệp nhằm giảm SDD thể thấp còi chưa được triển khai do thiếu về nguồn lực, dẫn đến thành công của dự án còn hạn chế. Tỷ lệ SDD thể nhẹ cân còn cao hơn so cả nước và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án can thiệp bổ sung vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là can thiệp bổ sung vitamin A, viên sắt/acid folic, viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai đã được thực hiện, góp phần vào kết quả chung của chương trình, nhưng thời gian gần đây các nguồn lực này bị cắt giảm nhiều, thậm chí không có nguồn lực để đầu tư cho các hoạt động.

Bên cạnh đó, vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em trong trường học chưa có điều kiện triển khai rộng. Đối với hệ giáo dục mầm non luôn đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất. Vấn đề dinh dưỡng chưa được chú trọng nhiều do thời gian và kết quả học tập của học sinh luôn là áp lực đối với các trường. Mặt khác, các hoạt động dinh dưỡng tại cộng đồng trong vừa qua chủ yếu dựa vào đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng, trong khi đây là những người tự nguyện “cộng tác” hoạt động với chương trình, có số lượng rất lớn nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ rất ít, chưa có tác dụng động viên khích lệ trong công việc.

Do đó, để thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng, Hậu Giang phải có nhiều giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh đến sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, có nguồn lực thực hiện. Ngành y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện chiến lược trên địa bàn tỉnh, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chương trình, đề án liên quan, xây dựng các dự án, đề án phù hợp với mục tiêu của chiến lược trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện… Khi cải thiện tình trạng SDD ở trẻ em Hậu Giang sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số của tỉnh nhà.

Bác sĩ TRẦN TRUNG DŨNG (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>