Nỗi đau khó bù đắp từ tai nạn lao động

11/05/2021 | 09:05 GMT+7

Chỉ một phút bất cẩn hoặc sự cố ngoài ý muốn, nhiều nạn nhân bị tai nạn lao động đã vĩnh viễn ra đi hoặc mang thương tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bà Võ Thị Mỹ Trang (phải), Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm hỏi, động viên gia đình có người thân bị tai nạn lao động.

Mất mát và nỗi buồn khó nguôi ngoai

Sáu tháng trước, trong một lần đi làm, anh L.V.Đ., ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, không may bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong. Anh Đ. làm công cho một cửa hàng trang trí nội thất trên 10 năm nay, với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Vào ngày 29-10-2020, khi đang kiểm tra hệ thống điện và máy móc thiết bị phục vụ cho việc gia công các mặt hàng gỗ, sắt, nhôm, inox… thì anh Đ. thấy bình chứa không khí nén đã lâu ngày không sử dụng nên anh muốn di chuyển vào kho. Trong lúc thực hiện các thao tác cho việc di chuyển, anh Đ. chẳng may bị điện giật té ngã. Phát hiện sự việc, mọi người xung quanh nhanh chóng tắt hết hệ thống điện, tiến hành các biện pháp sơ cấp cứu và đưa đến bệnh viện, nhưng anh Đ. đã không qua khỏi.

Trước sự ra đi của anh Đ., những ngày đầu vợ anh - chị T.T.T.Đ. cứ như người mất trí. Bà H.H. (mẹ vợ anh Đ.) nhớ lại, sau khi chôn cất anh Đ. xong, chị Đ. cứ thẩn thờ, suốt ngày ngồi bên mộ chồng, cơm chẳng buồn ăn, cũng chẳng nói chuyện với ai. Nhìn con gái, bà H. vô cùng lo lắng: “Thằng Đ. hiền và giỏi lắm. Nó lo cho vợ con dữ lắm, nay nó ra đi rồi, hai mẹ con con Đ. buồn biết bao nhiêu, hầu như đêm nào mẹ con nó cũng khóc”.

Cũng vì tai nạn lao động, ông D.T., ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ đã mãi mãi mất đi người con trai duy nhất là anh D.Đ.R. Theo lời ông T., hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở miền quê nghèo công việc làm thuê làm mướn cũng không nhiều, vì vậy, anh R. đi Thành phố Hồ Chí Minh để làm thuê trên 5 năm nay. Thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ ở quê nhà, anh cố gắng làm lụng và tiêu xài thật tiết kiệm, để gửi tiền về cho gia đình. Nào ngờ trong lúc làm việc, anh đã bị tai nạn lao động và ra đi mãi mãi khi tuổi đời mới 28 và chưa lập gia đình. Trước di ảnh của con, ông T. rơm rớm nước mắt, chia sẻ: “Đến bây giờ tôi vẫn không tin là con trai mình không còn. Lúc trước, vợ chồng tôi cũng giục con cưới vợ, nhưng nó nói ráng làm vài năm để lo cho cha mẹ, nào ngờ...”.

Nỗi mất mát không gì bù đắp ấy vẫn còn dai dẳng ở nhiều gia đình khác...

Túng quẫn và nặng gánh mưu sinh sau tai nạn

Phần lớn những người bị tai nạn lao động là trụ cột trong gia đình nên khi họ mất đi hoặc bị tai nạn mất sức lao động thì mọi gánh nặng sẽ dồn lên vai những người thân trong gia đình.

Sau khi anh Đ. mất, mẹ con chị Đ. phải tần tảo mưu sinh. Theo lời bà H., khi anh Đ. còn sống, mỗi tháng thu nhập của anh cũng khoảng 10 triệu đồng, đủ lo chi phí sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, chị Đ. chỉ ở nhà lo chuyện nội trợ và may quần áo lặt vặt. Chồng mất đi, gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai của người vợ, vì vậy chị đã đi làm công nhân ở Công ty TNHH Lạc Tỷ II (huyện Châu Thành A) để kiếm tiền lo cuộc sống gia đình. Bà H. bộc bạch: “Ở nhà cũng có máy may, nhưng cứ ngồi may một chút thì con Đ. lại khóc. Với lại, ở miền quê thu nhập từ công việc may quần áo cũng không được bao nhiêu, vì thế, con Đ. đi làm, vừa có tiền lo cuộc sống, vừa có thể khuây khỏa nỗi đau này”.

May mắn hơn nhiều người, anh Nguyễn Văn Phước, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, đã thoát chết trong gang tấc sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Hơn 1 năm nay, anh đã trải qua 11 lần phẫu thuật để duy trì sự sống và chữa trị vết thương. Theo anh Phước, anh đi làm thợ hồ được hơn 1 năm. Cũng như nhiều lao động khác, anh cũng không có hợp đồng lao động và tham gia các chế độ bảo hiểm. Vào ngày 18-2 (âm lịch) sau khi hết giờ làm, đi về giữa đường anh nhớ lại có miếng tôn nhỏ trên mái nhà, thế là anh lập tức quay lại. Nào ngờ khi lấy miếng tôn ra, anh không may bị điện giật. Anh Phước cho biết: “Mọi người bảo tôi còn sống là may mắn lắm rồi. Tai nạn lao động khiến tôi phải cưa chân phải, còn chân trái và hai tay cũng bị nhiều thương tật. Bác sĩ nói tôi còn phải phẫu thuật 7, 8 lần nữa”.

Để điều trị cho anh, tất cả tài sản trong nhà lần lượt ra đi, gia đình còn phải vay mượn thêm. Dẫu anh có bảo hiểm y tế, nhưng số tiền phải đóng cho danh mục thuốc ngoài bảo hiểm là không nhỏ. “Bên chỗ thầu xây dựng nơi tôi làm thuê cũng lo chi phí cho tôi chữa trị, nhưng con đường phía trước còn dài lắm”, anh Phước chia sẻ.

Giờ đây, cha anh đi làm phụ hồ ở tận Thành phố Hồ Chí Minh, còn mẹ thì làm tại quê nhà, để kiếm tiền chữa trị và tiện việc chăm sóc cho anh. Từ một thanh niên khỏe mạnh, trụ cột gia đình, trong chốc lát, anh trở thành người tàn tật, thành gánh nặng. Rồi đây tương lai của anh sẽ ra sao, khi đôi chân đã không còn lành lặn, sức khỏe suy giảm rất nhiều.

Bản thân người lao động vì mưu sinh, lo sợ thất nghiệp nên phần lớn đành chấp nhận là những lao động “nhiều không”. Khi có sự việc đáng tiếc xảy ra, họ phụ thuộc hoàn toàn vào sự thương cảm của chủ doanh nghiệp, bởi không có một ràng buộc pháp lý nào. Những người chủ sử dụng lao động hãy quan tâm hơn nữa tới công tác bảo đảm an toàn lao động, còn người lao động cũng cần ý thức hơn khi tham gia sản xuất, để bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình...

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2020 toàn tỉnh xảy ra 88 vụ tai nạn lao động. Trong đó, có 4 người thiệt mạng. Họ ra đi đột ngột, để lại nỗi đau không gì khỏa lấp được trong lòng những người thân. Cũng trong thời gian trên, các vụ tai nạn còn làm 2 người bị thương nặng.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>