20-11 lắng lòng nghe tâm sự của “Người lái đò thầm lặng!”

20/11/2023 | 08:00 GMT+7

Minh họa internet.

Mỗi năm, đến ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi lại dâng lên những cảm xúc khó tả, những kỷ niệm ngọt bùi đầy trách nhiệm với công việc được giao.

Khi tháng 11 về, đối với giáo viên đây là tháng cao điểm để chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Để kỷ niệm 41 năm nhiều trường trên cả nước tổ chức các cuộc thi nhằm khích lệ tinh thần học tốt, dạy tốt; song song với đó là đêm diễn văn nghệ gây quỹ khuyến học, đồng thời có buổi toạ đàm để ôn lại nghề dạy học của mình trông thật ấm cúng và hạnh phúc.

Mỗi năm, đến ngày này giáo viên chúng tôi lại dâng lên những cảm xúc khó tả, những kỷ niệm bên nhau thật ngọt bùi và đầy trách nhiệm với công việc được giao.

Nghề dạy học của giáo viên, ngày 20/11 hàng năm là ngày vui nhất, xúc động nhất, bởi đây là ngày cả xã hội đều hướng về với tấm lòng tôn kính và khẳng định thiên chức của nghề đưa đò thầm lặng.

Đôn-ki-xtôi có câu nói nổi tiếng: “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”.

Sinh thời Cụ Hồ khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục, nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.

Còn Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.

Như vậy, quý thầy cô không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.

Đúng vậy, từ xưa đến nay, nghề dạy học có vị trí quan trọng trong xã hội, vì đào tạo nên những trí thức là nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước. Để được xã hội yêu quý, mỗi giáo viên không ngừng sáng tạo trong dạy học mà còn tâm huyết với nghề để vun đắp học sinh trở thành con ngoan trò giỏi.

Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều thế hệ giáo viên thực sự xúc động trước tình cảm mà toàn xã hội dành cho nghề trồng người. Giáo viên mới vào nghề thì mong muốn học sinh mình chăm ngoan học giỏi. Giáo viên lâu năm ngoài yêu cầu như giáo viên trẻ còn mong học trò mình thành đạt trong cuộc sống. Giáo viên về hưu thì tranh thủ kể những mẩu chuyện đầy ắp tình thương. Suốt chiều dài của lịch sử, cụm từ “tôn sư trọng đạo” đã mang đến cho mỗi giáo viên những xúc cảm vô bờ bến.

Ai cũng biết, nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý và từ lâu trong xã hội bao đời truyền tụng câu nói “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” hoặc “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Quả vậy, ngày 20 tháng 11 không chỉ là ngày để các thế hệ học sinh bày tỏ tình cảm với thầy cô mà đây là dịp Thầy cô và học sinh gần gũi nhau hơn. Những tình cảm chân thành của học sinh luôn là món quà có ý nghĩa đối với giáo viên.

Những ánh mắt trong sáng cùng câu nói đầy hồn nhiên và vô tư của học sinh làm cho giáo viên quên đi mọi mệt nhọc hay giận hờn khi học sinh vi phạm. Cảnh tượng báo đăng nhiều tấm gương giáo viên băng rừng lội suối để vận động các em học sinh đến trường, nó thể hiện giáo viên tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Một số giáo viên khác đem học sinh nghèo về nhà nuôi và trích một phần lương để hỗ trợ, nó thể hiện sự yêu thương con trẻ. Khi lũ lụt xảy ra giáo viên ở vùng có điều kiện khuyên góp giúp đỡ giáo viên vùng khó khăn, có thể nhường cơm sẻ áo…

Mặt khác, học sinh Việt Nam nhiều năm qua đạt nhiều huy chương các loại trên trường quốc tế, điều đó nói lên trình độ đào tạo và dạy học của giáo viên đã ngang tầm với thế giới. Bên cạnh những học sinh ngoan hiền, học giỏi, tham gia các phong trào là niềm tự hào của bố mẹ, thầy cô; đâu đó còn có những học sinh lười học, đôi lúc ngỗ nghịch làm thầy cô buồn lòng để bây giờ ngày nhà giáo ôn lại mà day dứt nhớ mãi không quên.

Được sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền các cấp, nền giáo dục cách mạng Việt Nam thời gian qua gặt hái nhiều thành công như: Hệ thống trường lớp được xây dựng khang trang sạch đẹp từ mầm non đến đại học, thiết bị dạy học phong phú và đa dạng để hỗ trợ giáo viên trong dạy học và soạn bài, giáo viên được đào tạo bài bản đủ trình độ để đáp ứng công việc được giao, có nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, học sinh chăm ngoan học giỏi, thầy cô nhiệt tình với sự nghiệp trồng người như lời Bác dặn lúc sinh thời.

Ngành giáo dục có nhiều nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và hàng triệu giáo viên khác đem tâm huyết, trí tuệ, không quản khó khăn, gian khổ, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Hiện nay, đời sống của giáo viên phần đông còn khó khăn nhưng với lòng yêau nghề, mến trẻ và sự quan tâm kịp thời của chính phủ làm giáo viên yên lòng. Sự nghiệp giáo dục nước nhà ngày một vẻ vang và có vị thế trên bảng vàng thế giới.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)

đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại online (Tít do Báo Hậu Giang đặt)

 

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>