Làm Tổng Phụ trách Đội: Có dễ đâu !

05/06/2018 | 08:06 GMT+7

Phụ huynh, học sinh khi kết thúc năm học hay nhắc đến cô giáo này, thầy giáo kia, nhưng còn một người có rất nhiều đóng góp cho nhà trường, cho sự phát triển toàn diện của học sinh, lại ít được nhắc đến - Tổng phụ trách Đội.

Với tấm lòng nhiệt huyết dành cho nghề các thầy, cô đang làm TPTĐ ở các trường luôn nỗ lực để giáo dục học sinh.

Chuyện “Thầy Tổng phụ trách… già”

Có dịp gặp các thầy, cô Tổng phụ trách Đội (TPTĐ) giỏi và đầy nhiệt huyết tập trung về tỉnh thi “nghề” TPTĐ, chúng tôi mới cảm nhận hết lòng yêu nghề của các thầy cô. Trò chuyện với thầy Phạm Thanh Minh, người có gần 30 năm gắn bó với công tác Đội, phong trào thiếu nhi ở Trường THCS Long Trị, thị xã Long Mỹ, thầy kể, năm 1988, tốt nghiệp sư phạm văn, thầy được phân công về giảng dạy ở Trường THCS Long Trị. Như một cơ duyên sau một năm công tác thầy đảm nhiệm thêm vai trò là TPTĐ của trường. Thầy Minh tâm sự: “Khi công tác gần được một năm, giáo viên TPTĐ của trường xin chuyển công tác, đâu ai chịu lên làm thay, nên tôi mới đảm nhiệm thêm làm TPTĐ. Lúc mới làm TPTĐ, tôi đâu biết đánh trống gì đâu, đánh thì nghe dở lắm, sau đó mới được trường cho đi học các khóa bồi dưỡng ở Sóc Trăng. Rất may là khi đó, mấy anh bên đoàn, đội hay xuống kiểm tra rồi chỉ dẫn rất nhiều. Nhờ mỗi lần được dạy một ít, vậy mà tôi học thêm được rất nhiều điều”.

Gần 30 năm gắn bó với vai trò là TPTĐ, đã giúp thầy Minh có được cả tình bạn, tình yêu và cả tình cảm gia đình. Bên cạnh tổ chức hoạt động, trò chơi, hướng dẫn học sinh tập luyện để tham gia các phong trào, hội thi hiện tại, thầy Minh còn trực tiếp đứng lớp giảng dạy môn văn. “Làm TPTĐ rất khó, nhưng bỏ nghề không hề dễ. Niềm vui của những người làm TPTĐ là lúc nào cũng cảm thấy mình trẻ mãi. Vì khi nhìn ánh mắt của các em, được cùng các em vui chơi thì mọi buồn phiền trong lòng không còn nữa. Làm TPTĐ có rất nhiều niềm vui, nhưng đằng sau đó lại còn rất nhiều vất vả. Đây cũng là nguyên nhân khiến công tác đội, phong trào thiếu nhi ở các trường, chỉ nổi lên ở mặt phong trào chứ chưa đi được vào chiều sâu. Có thể khẳng định, nơi nào công tác Đội, phong trào thiếu nhi phát triển mạnh mẽ, thì nơi đó đạo đức học sinh, nề nếp giáo dục nhà trường phát triển rất tốt”, thầy Minh chia sẻ thêm.

Hàng năm, học sinh Trường THCS Long Trị đều mang nhiều giải thưởng từ các hội thi, phong trào về cho trường. Hiện nay, dù đã ở cái tuổi 52, nhưng thầy Minh luôn trăn trở bởi lực lượng TPTĐ kế thừa hiện nay ở các trường dường như không có.

Thầm lặng

Cũng có hơn 26 năm làm TPTĐ, khi chúng tôi hỏi thầy Hồng Văn Anh, TPTĐ ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Vị Thanh, về công việc của mình, thầy bộc bạch: “Làm TPTĐ giờ cực lắm, vừa phải đứng lớp, vừa phải tập trung cho công tác đội của trường nữa. Tuy nhiên, đôi khi cũng dễ bị các giáo viên chủ nhiệm ở các lớp thấy phiền hà. Bởi vì, khi các em hào hứng tham gia phong trào sẽ dễ ảnh hưởng đến kết quả học tập, như vậy, có thể bị ảnh hưởng đến kết quả thi đua của lớp”.

Theo thầy Anh, so với trước đây các phong trào, hoạt động Đội không còn sôi nổi nhiều, đặc biệt học sinh ít hăng hái hơn khi tham gia. Thầy Anh cho biết: “Buồn nhất là khi vừa giáo dục, tuyên truyền về cái gì đó cho học sinh xong, mà vẫn còn thấy các em vi phạm. Công việc này vẫn còn thấy niềm vui là khi được nhìn thấy học sinh chậm tiến trở nên tiến bộ hơn”.

Đối với các thầy làm TPTĐ là thế, khi nghe các cô đang làm giáo viên TPTĐ ở các trường, chúng tôi mới thấu hiểu hơn về sự vất vả khi các cô bám trụ với nghề. Cô Trần Thị Ánh Tuyết, giáo viên TPTĐ Trường THCS Nam Kỳ Khởi Nghĩa, huyện Châu Thành, nói: “Ngoài tập trung cho hoạt động Đội, đảm bảo tốt số tiết ở các lớp theo quy định, nhiều lúc tôi không có thời gian cho gia đình. Sáng đi sớm, tối về muộn, khi nhà nhà ăn tối, mới lọ mọ về. Thứ bảy, chủ nhật cũng đi liên miên. Đặc biệt, vào những kỳ thi phải đầu tư, tập luyện, thi thố, tôi gần như không có đủ thời gian cho gia đình”.

Thời gian đầu, khi làm TPTĐ cô Tuyết cũng gặp không ít khó khăn bởi tâm lý e ngại của phụ huynh, sợ con em theo những hoạt động Đội sẽ ảnh hưởng học hành. Nhưng khi thấy sự hứng thú của các em, cô cũng dần thuyết phục được phụ huynh, để các em có thể tham gia nhiều hoạt động hơn, nhưng vẫn đảm bảo việc học tập. Suốt 8 năm làm TPTĐ, cô Tuyết luôn đặt tiêu chí, các công tác Đội phải có tính định hướng giáo dục cho học sinh. Vì thế, cô thường tổ chức các phong trào nhẹ nhàng, thoải mái, không mang tính gò bó, bắt buộc, luôn đổi mới để thu hút học sinh.

Có người lớn tuổi, người trẻ làm TPTĐ, nhưng tựu trung lại ai cũng nhiệt huyết, ai cũng vui khi mỗi ngày đến trường được học sinh gọi hai tiếng: thầy, cô.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>