Tuyển sinh đầu cấp: Nơi đủ đầy, nơi gian nan tìm người học

09/08/2023 | 18:55 GMT+7

Học sinh sẽ có những lựa chọn gì sau khi tốt nghiệp THCS khi không trúng tuyển vào trường THPT? Là câu hỏi mà không chỉ phụ huynh, học sinh mà thầy, cô giáo, xã hội đều rất quan tâm.

Tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai sớm, giúp việc phân luồng học sinh sau THCS hiệu quả.

Bài 3: Vào học trường THPT không phải là con đường duy nhất !

Tâm lý đổ dồn, nhất quyết phải vào học các trường THPT không phải là lựa chọn, con đường duy nhất của học sinh sau khi hoàn thành chương trình học cấp THCS hiện nay.

Học sinh có nhiều sự lựa chọn khác

Chọn học nghề sau khi có kết quả kỳ tuyển sinh vừa qua, Nguyễn Thị Thanh Thảo, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Châu Văn Liêm, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, năng lực học của em cũng ở mức trung bình - khá, nên ngay từ đầu em đã có hướng chuyển qua học hệ thường xuyên, lớp vừa học văn hóa kết hợp học nghề tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Em nghĩ đó là con đường ngắn để em được vừa học tiếp chương trình văn hóa, vừa rèn kỹ năng nghề nghiệp như các bạn, ra trường có thêm nghề điện trong tay, phụ giúp kinh tế gia đình sớm”. 

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng… thực hiện mô hình dạy văn hóa kết hợp đào tạo nghề, nhiều chính sách hỗ trợ giới thiệu việc làm, đào tạo theo địa chỉ…; phối hợp trường THCS đến tư vấn, tuyển sinh đã thu hút sự quan tâm của người học. Học sinh, phụ huynh các em được tư vấn rõ ràng, cụ thể nên có nhiều lựa chọn là điều thấy rõ ngay sau khi tốt nghiệp THCS.

Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Tốt nghiệp lớp 9 học sinh có nhiều lựa chọn như: thi tuyển vào các trường THPT chuyên, trường THPT; hoặc chọn hình thức vừa học văn hóa kết hợp học nghề tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, hay chỉ học nghề trong tỉnh… Chúng tôi tổ chức đa dạng hình thức đào tạo dựa trên năng lực, sở thích, điều kiện thực tế của người học”.

Tổ chức thi tuyển, căn cứ điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm, ngành giáo dục và đào tạo phân hóa được theo từng năng lực học sinh, từ đó có biện pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp hơn trong công tác phân luồng học sinh sau THCS theo đúng tình hình thực tế.

Theo số liệu thống kê những mùa tuyển sinh vào lớp 10 trước đây, năm học 2020: chỉ có 23,5% phân luồng sau THCS, năm 2021 là 15,8%, năm 2022 cũng chỉ 22,9% học sinh được phân luồng. Năm 2023 này, với tỷ lệ 68,01% học sinh trúng tuyển vào lớp 10 THPT, 31,99% học sinh còn lại sẽ vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trường nghề… đây là cơ hội để có thể vực dậy công tác tuyển sinh và đào tạo ở hệ giáo dục thường xuyên, học nghề…

Thực tế hiện nay, nếu theo học lớp 10 tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học sinh được học nghề song song với học văn hóa. Ngành nghề đa dạng, đáp ứng nguyện vọng người học. Sau ba năm ra trường, vừa lấy bằng trung cấp, vừa có bằng tốt nghiệp THPT. Cách chọn lựa này tiết kiệm ít nhất 2 năm so với cách học truyền thống là tốt nghiệp THPT rồi mới tham gia học nghề”. Bà Bạch Thị Duy Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi tư vấn, hướng nghiệp rõ ràng, theo năng lực học sinh. Thầy, cô hay nhắc học sinh, vào học các trường THPT giờ không phải là con đường duy nhất, các em vẫn có thể chuyển sang vừa học nghề kết hợp học văn hóa tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng... trong tỉnh. Lợi thế là cùng một lúc có được 2 bằng tốt nghiệp”.

Gần 32% không đỗ lớp 10 THPT sẽ được phân luồng hiệu quả ?

Công tác phân luồng học sinh sau THCS vẫn còn những khó khăn nhất định, trong đó tâm lý chuộng bằng cấp, “Không muốn con mình làm thợ” của nhiều phụ huynh. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác phân luồng trong nhiều năm nay của tỉnh.

Ngoài ra, phụ huynh học sinh e ngại con em mình học nghề phải xa nhà trong khi các em chưa đủ tuổi trưởng thành. Bản thân học sinh biết năng lực bản thân, mong muốn học nghề nhưng lại bị gia đình ép, kỳ vọng vào các em phải bằng mọi giá vào học THPT… gây học sinh nhiều áp lực, học sinh bỏ học đi làm công nhân.

Một phần do yếu tố “lịch sử” của loại hình giáo dục thường xuyên trước đây được gọi là bổ túc văn hóa. Nhiều người mặc định học sinh rớt lớp 10 công lập, hoặc học kém mới phải vào các trung tâm giáo dục thường xuyên nên thường không mặn mà lắm; các trường THCS chưa quyết liệt trong tư vấn, hỗ trợ học sinh khi lựa chọn học tập hình thức này phù hợp năng lực từng em...

Ông Cao Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Hàng năm, trường xác định lực học của từng em, để tư vấn các em chọn được hướng đi phù hợp với năng lực. Riêng những em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng học lực hơi yếu, chúng tôi sẽ tư vấn các em vào học ở hệ giáo dục thường xuyên, kết hợp học nghề. Thực hiện nhiều cách, nhất là tuyên truyền sâu, sát với phụ huynh các em về quyền lợi khi học văn hóa kết hợp học nghề ở các trung tâm, để tránh tình trạng học sinh bỏ học, đi làm công nhân, thay vì học tiếp để công tác phân luồng sau THCS có hiệu quả”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phụng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Nam, cho biết: “Học nghề, kết hợp học văn hóa hiện nay với học sinh hoàn thành chương trình THCS có nhiều lợi thế như: chính sách hỗ trợ miễn học phí 100%, được vay vốn, ở ký túc xá, ra trường được giới thiệu việc làm ngay… Theo tôi nếu các trường THCS, phụ huynh học sinh và ngay bản thân học sinh tìm hiểu kỹ những thuận lợi và cái đạt được ở hình thức học tập này, nhà trường tuyên truyền sâu hơn nữa về phân luồng phù hợp để học sinh nắm rõ năng lực, sở thích bản thân. Tôi tin, học sinh sẽ có những lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân. Học nghề, học hệ thường xuyên… vẫn là các loại hình học tập chất lượng, không thua sút bạn bè. Nhất là ở phần kỹ năng làm việc”.

Phân luồng học sinh sau THCS hiện được xem là giải pháp để nâng cao chất lượng bậc THPT và hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với tỷ lệ 31,99% học sinh được phân luồng sau THCS, là năm đầu tiên tỉnh đạt tỷ lệ phân luồng vượt 30%. Đây là tín hiệu phản ánh kết quả thực chất, quyết liệt, trách nhiệm nhiều phía, từ nhà trường, gia đình, học sinh… trong công tác phân luồng sau THCS.

Từng bước khắc phục tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ”…

 

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: “Việc triển khai thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS đã góp phần thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế, tránh tình trạng lãng phí thời gian, tiền của do không lựa chọn đúng nghề nghiệp. Làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp từ sớm và sâu, có chất lượng, các trường đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, từng bước khắc phục tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ” hiện nay”.   

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>