Học Bác từ những điều đơn giản nhất

04/04/2018 | 11:57 GMT+7

Những tiết dạy của nhà giáo ưu tú Đinh Thanh Tâm, đang công tác tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thị xã Long Mỹ, được học trò khen hay và gần gũi, vì lồng ghép những câu chuyện về Bác. Thầy Tâm còn được mọi người biết đến là một Chủ tịch Công đoàn dễ hòa đồng.

Với thầy Tâm, niềm vui của mỗi ngày đứng trên bục giảng là được nhìn thấy sự tiến bộ của các em học sinh.

Trên bục giảng, thầy là người tận tâm với sự nghiệp trồng người, sẽ không khó bắt gặp thầy nắn nót từng chữ viết qua viên phấn trắng, sửa từng nét chữ chưa đẹp cho học sinh qua từng bài viết… thầy đã có gần 26 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Thầy Tâm bộc bạch: “Trước đây, điều kiện dạy và học còn nhiều khó khăn lắm, nhưng giờ trường lớp được đầu tư khang trang, nên thuận lợi rất nhiều để giảng dạy cho các em. Hiện nay, các em đã được học tập trong điều kiện đầy đủ hơn, nhưng với vai trò là một người thầy tôi cũng thường xuyên lồng ghép các câu chuyện về Bác vào các bài học đạo đức, các tiết sinh hoạt để giáo dục cho học sinh tính cẩn thận, tỉ mỉ, chuyên cần, tập làm người tốt, người có ích cho xã hội ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường…”.

Ngoài những bài giảng hay, dễ học, dễ nhớ, những bài dạy để học sinh học cách làm người có ích, thầy Tâm còn được học sinh của Trường Tiểu học Lê Văn Tám, biết đến là người thầy thân thiện, gần gũi với học trò. Em Huỳnh Minh Hiếu, học sinh lớp 5 của trường, nói: “Các giờ học của thầy ngoài được học kiến thức từ sách giáo khoa, chúng em còn được nghe kể các câu chuyện lồng ghép về Bác rất hay. Đặc biệt, sau mỗi câu chuyện thầy đều gợi ý để chúng em rút ra được bài học cho bản thân mình. Em thích nhất là câu chuyện về Chiếc đồng hồ của Bác, qua câu chuyện này, em đã học được một bài học về sự đoàn kết”. Với vai trò là một giáo viên chủ nhiệm, thầy Tâm luôn tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng học sinh để kịp thời nắm bắt được tình hình học tập của các em. Với các em học sinh chậm tiến bộ, thầy luôn phân công một học sinh có sức học khá, giỏi để kèm cho các em.

Vào ngành giáo dục công tác từ năm 1993, thầy Tâm được phân công về Trường Tiểu học Long Phú 1 giảng dạy, đến năm 2009 thầy được chuyển công tác về Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Từ khi chuyển công tác về trường, ngoài vai trò là một giáo viên đứng lớp giảng dạy, thầy Tâm còn được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn, rồi bồi dưỡng học sinh có năng khiếu viết chữ đẹp. Ông Phạm Ngọc Toán, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Từ khi thầy Tâm được chuyển công tác về trường ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn giảng dạy, thầy còn là một chủ tịch công đoàn năng nổ và một giáo viên cốt cán của trường trong phong trào bồi dưỡng học sinh viết chữ đẹp. Trong các phong trào, hoạt động do trường, ngành phát động thầy đều hoàn thành rất tốt và đối với đồng nghiệp trong trường, thầy rất thân thiện và hòa đồng…”.

Đội tuyển học sinh viết chữ đẹp do thầy Tâm bồi dưỡng, hàng năm đều đạt các giải cao ở cấp thị xã và cấp tỉnh. Vừa rồi, thị xã Long Mỹ trong số 25 học sinh tham gia viết chữ đẹp cấp tỉnh, trường đã có 12 em nằm trong đội tuyển của thị xã dự thi. Tham gia thi cấp tỉnh năm học 2017-2018, trường có 2 em đạt giải nhất, 4 em đạt giải nhì, còn lại đều đạt giải ba. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thầy Tâm còn từng là giáo viên giỏi cấp thị xã 7 năm liền và 2 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Trước đây khi huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ chưa chia tách, thầy Tâm là một trong những giáo viên đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Thầy còn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 12 năm liền, 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Ngoài lồng ghép giảng dạy cho học sinh những câu chuyện về Bác, ngay đối với chính bản thân của mình thầy Tâm cũng tự xây dựng một góc nhỏ ở nhà với một kệ sách tập hợp các quyển sách viết về cuộc đời, con người và các câu chuyện về Bác. “Với tôi, mọi việc làm chỉ cần mình tận tâm là có thể hoàn thành tốt thôi. Là một người giáo viên học Bác đơn giản là chúng ta phải hoàn thành tốt vai trò của người thầy, có tinh thần kỷ luật tốt nghiêm chỉnh về giờ giấc, với đồng nghiệp xung quanh thì phải hòa nhã, biết chia sẻ giúp đỡ nhau lúc khó khăn và tạo sự thân thiện, gần gũi với học sinh”, thầy Tâm chia sẻ thêm.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>