Theo lời Bác góp sức giúp đời

28/08/2017 | 08:37 GMT+7

Hình ảnh những cụ già tóc bạc, tay đã mỏi, chân đã run nhưng vẫn nhiệt tình giúp đời bằng những việc làm thiết thực đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với cộng đồng.

Tuổi già, nhưng sức trẻ

Được sự giới thiệu của Hội Người cao tuổi (NCT) huyện Long Mỹ, chúng tôi đi ven theo con đường nông thôn nhỏ, tìm đến nhà ông Dương Minh Đại, 72 tuổi, ở ấp 4, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, một trong những NCT có đóng góp rất nhiều cho địa phương. Tranh thủ gặp chúng tôi sau khi mới đi vận động kinh phí để hỗ trợ cho các trường trên địa bàn trong năm học mới, ông Đại chia sẻ: “Cứ vào đầu năm học mới, tôi sẽ vận động kinh phí để các trường làm nguồn học bổng hỗ trợ cho học sinh. Do ở đây là vùng nông thôn, đời sống của bà con cũng còn khó khăn nhiều lắm. Bởi vậy, giờ còn sức khỏe đi lại được tôi cũng gắng đi vận động để mong giúp bà con phần nào”. Không chỉ vận động người quen và các mạnh thường quân tại địa phương, mà ông Đại còn “thân chinh” đi xuống các tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, liên hệ người quen, cùng các mạnh thường quân để vận động kinh phí, quà, gạo để tặng cho bà con nghèo vào các dịp lễ, tết…

Ông Dương Minh Đại, ở ấp 4, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, đang cùng cán bộ người cao tuổi của xã thống kê danh sách hộ nghèo để hỗ trợ gạo.

Thời còn trẻ, ông Đại từng là bộ đội, cùng đồng đội chiến đấu nhiều nơi, rồi khi đất nước hòa bình, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nhà lại đông con, nên ông quyết định rời quê, xuống tận tỉnh Bạc Liêu để lập nghiệp bằng công việc nuôi tôm. Tuy nhiên, may mắn đã không mỉm cười với ông khi số vốn đầu tư thua lỗ, những tưởng cuộc sống đã rơi vào bế tắc, nhưng rồi được sự giúp đỡ, động viên của người thân và bạn bè, ông đã quyết tâm lập nghiệp lại, bằng sự nỗ lực, ý chí của bản thân, gia đình ông dần đã thoát khỏi cảnh khó khăn và làm ăn khấm khá hơn…

Hơn 20 năm qua, khi đời sống gia đình đã đỡ hơn, ông Đại cũng làm công tác thiện nguyện nhiều hơn, cũng ngần ấy năm ông đi “xin” để lo cho học sinh, người nghèo. Ông Đại tâm sự: “Trong “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” vào tháng 6-1941, Bác Hồ có viết: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức…”. Theo lời kêu gọi đó của Bác, tôi mới nhận ra là mình làm được những việc hữu ích theo sức mình, là đi vận động xã hội hóa, góp phần xây dựng quê hương”. Trong năm 2016 vừa qua, ông Đại đã vận động hỗ trợ cho người nghèo chữa bệnh, bắc cầu, hỗ trợ học sinh nghèo… với kinh phí khoảng 260 triệu đồng. Hiện tại, ông đã vận động được 100 phần quà để tặng cho bà con nghèo trên địa bàn xã Vĩnh Viễn vào dịp rằm sắp tới đây.

“Còn sức còn đi vận động”

Chia tay ông Đại, chúng tôi tìm về ấp Khánh Hội B, xã Phú An, huyện Châu Thành, để gặp ông Nguyễn Văn Bảy, 82 tuổi. Người có rất nhiều đóng góp để làm thay đổi bộ mặt nông thôn khó khăn của xã Phú An. Khi chúng tôi hỏi giờ đi lại khó khăn vậy ông Bảy còn đi vận động hỗ trợ bà con cũng như địa phương nữa không, ông vui vẻ nói: “Còn sức là còn làm thôi, giờ mình không đi vận động được thì mấy đứa con tôi nó đi vận động thay tôi. Hồi xưa, đời sống kinh tế còn khó khăn thì kêu gọi mọi người đóng góp khó, chứ giờ bà con ai cũng ý thức được hết nên dễ hơn rồi”. Gia đình ông Bảy hiện có 8 người con, các con của ông ai cũng có công ăn việc làm ổn định và có nhiều đóng góp cho địa phương như vận động kinh phí làm cống, đập, xây cầu, làm lộ giao thông nông thôn, hỗ trợ cho bà con nghèo… Mới thấy tinh thần thiện nguyện đã thật sự lan tỏa qua nhiều thế hệ.

Ông Nguyễn Văn Bảy, ở ấp Khánh Hội B, xã Phú An, huyện Châu Thành, sắp xếp lại số quà vừa vận động được để hỗ trợ cho bà con.

Nhiều bạn già của ông Bảy kể, trước đây khi đất nước mới giải phóng, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhớ lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Bác là phải “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, ông Bảy tự đi xin cây, xin lá để dựng lớp học, nuôi giáo viên… tạo điều kiện cho con em trên địa bàn được học hành, biết cái chữ để thay đổi cuộc sống. “Thời chiến thì cùng nhau chống giặc ngoại xâm, khi hòa bình rồi thì mình diệt giặc đói, giặc dốt như lời Bác dạy. Bây giờ, được tận mắt chứng kiến sự thay đổi của quê hương, qua từng ngôi trường khang trang thay cho những ngôi trường tre lá tạm bợ hay từng con đường đất sình lầy được thay bằng những con đường bêtông… tôi cảm thấy mừng lắm”, ông Bảy phấn khởi.

Những lời Bác dạy, những câu chuyện của Bác với NCT, luôn được những cụ như ông Đại, ông Bảy ghi nhớ, để bây giờ dù tuổi có cao, sức đã không được như xưa, nhưng hành trình thiện nguyện của các cụ vẫn tiếp tục, vẫn cống hiến, giúp đời…

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>