Bước nhảy vọt của công nghiệp

10/02/2024 | 06:52 GMT+7

Khép lại năm 2023, ngành công nghiệp Hậu Giang đã có những bước tiến quan trọng, đánh dấu một giai đoạn phát triển đầy triển vọng.

Ông Trương Cảnh Tuyên (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại ĐBSCL, tổ chức tại Cần Thơ.

Những điểm sáng

Lúc thành lập, Hậu Giang phải đối mặt với nhiều thách thức. Khi đó, ngành công nghiệp của tỉnh chủ yếu là sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm với quy mô nhỏ. Vậy mà sau 20 năm, Hậu Giang đã ghi nhận những con số ấn tượng. Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh không chỉ đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn đứng thứ 2 cả nước, tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2023 của tỉnh Hậu Giang tăng 2 bậc. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tiếp tục là những khu vực đóng góp lớn nhất cho GRDP năm 2023 của tỉnh với mức tăng trưởng 28,32%.

Công nghiệp Hậu Giang tiếp tục có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế của tỉnh nhà.

Đặc biệt, tỉnh đang ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông - thủy sản có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như xay xát, chế biến thủy sản đông lạnh, sản xuất trái cây đóng hộp, chế biến trà mãng cầu, chế biến cá thát lát,… các sản phẩm này có khả năng xuất khẩu và giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội.

Dựa trên định hướng đó, Công ty Cổ phần Wesfood Hậu Giang đã chính thức khởi công xây dựng Tổ hợp Nhà máy chế biến nông sản thực phẩm Hậu Giang (Nhà máy Westfood Hậu Giang) với diện tích khoảng 7ha, công suất 120 tấn/ngày được xây dựng tại Khu công nghiệp Sông Hậu - giai đoạn 1, thuộc xã Đông Phú, huyện Châu Thành. Dự kiến sau khi hoàn thành, Westfood Hậu Giang sẽ là một trong những nhà máy chế biến nông sản lớn nhất miền Tây; sản xuất ra nhiều dòng sản phẩm mới, chất lượng cao; qua đó thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là công ty đã ký kết hợp đồng hợp tác phát triển cây khóm King MD2 diện tích 2.000ha với huyện Phụng Hiệp, giúp người dân nơi đây yên tâm về đầu ra và giá cả, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Ngành công nghiệp chế biến nông - thủy sản được tỉnh ưu tiên phát triển.

Lần đầu tiên “đặt nền móng” tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, ông Lee Ik Mo, Tổng Giám đốc điều hành Sunjin Việt Nam, chia sẻ tại buổi Lễ ký kết bàn giao mặt bằng Dự án nhà máy sản xuất thức ăn Sunjin vào cuối tháng 12-2023: “Sau khi khảo sát kỹ lưỡng, chúng tôi thấy nơi này có các điều kiện thuận lợi để xây dựng nhà máy thức ăn thủy sản mới của Sunjin. Lễ ký kết bàn giao đất là một điểm nhấn đáng chú ý, chúng tôi hy vọng dự án đầu tư sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện từ chính quyền Hậu Giang trong thời gian tới. Sunjin rất mong muốn và sẽ nỗ lực hết mình để góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản ở Hậu Giang cũng như Việt Nam”.

Dự án nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản Sunjin tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh có quy mô 2,6ha. Khi dự án đi vào hoạt động, dự kiến công suất đạt 126.000 tấn/năm, doanh thu hơn 160 triệu USD, xuất khẩu khoảng 40 triệu USD. Đây là những chỉ tiêu góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Năm 2023, VIMC Hậu Giang xếp dỡ khoảng 1.080.000 tấn, 6.200 Teus, doanh thu đạt 64 tỉ đồng, tăng 20% so với năm 2022.

Cùng với đó, ngày 8-12-2023, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang (VIMC Hậu Giang) đã chạm mốc với việc xếp dỡ tấn hàng thứ 1 triệu, đánh dấu sự phát triển ấn tượng trong 16 năm qua. Hiện nay, VIMC Hậu Giang có bến số 1 có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 10.000 DWT đầy tải và 20.000 DWT giảm tải, bến số 2 cho tàu có trọng tải đến 5.000 DWT. Tổng diện tích đất công ty đang quản lý sử dụng là 871.000m2. Dự kiến năm 2023, xếp dỡ 1.080.000 tấn, 6.200 Teus, doanh thu 64 tỉ đồng. Về sản lượng xếp dỡ hàng hóa tăng 32%, doanh thu tăng 20% so với năm 2022.

Ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc VIMC Hậu Giang, cho rằng: Với vị trí chiến lược nằm giữa trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, VIMC Hậu Giang tận dụng mọi điều kiện thuận lợi để góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang. Cảng xếp dỡ hàng hóa 24/7 phục vụ theo nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ thông tin và mở rộng nơi lưu trữ hàng hóa trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh: Trong năm 2023, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh. Đây là lĩnh vực được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là trụ cột thứ nhất trong 4 trụ cột của nền kinh tế, bao gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.

Hành trình mới đầy tiềm năng       

Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã khẳng định mục tiêu phát triển công nghiệp là sự lựa chọn hàng đầu trong chiến lược phát triển 2021-2025. Điều này không chỉ tạo ra nguồn thu ngân sách mạnh mẽ, mà còn đánh dấu một bước tiến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Choi Se Min, Giám đốc thủy sản của Dự án nhà máy thức ăn thủy sản Sunjin Vina, đặc biệt đánh giá cao vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển của Hậu Giang trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sự gần gũi với nguồn nguyên liệu phong phú từ nông sản và thủy sản giúp tỉnh trở thành điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ tiêu chí của nhà đầu tư. Ông tỏ ra tin tưởng về quyết định đầu tư của mình, nhìn nhận Hậu Giang như một đối tác đầy tiềm năng và sẵn lòng hỗ trợ cho sự phát triển bền vững.

Năm 2023 cũng đánh dấu sự nỗ lực của những dự án đầu tư mới, khi trong năm vừa qua, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thu hút được 8 dự án với tổng vốn thu hút thêm khoảng 780 tỉ đồng, điều này góp phần thúc đẩy tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Hậu Giang trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong và ngoài địa phương.

Có thể nói, mùa xuân ở Hậu Giang không chỉ là về sự mở cửa của các doanh nghiệp mới, mà còn là về sự mở rộng trong các chính sách thu hút đầu tư. Nếu như vào năm 2004, cả tỉnh chỉ có 475 doanh nghiệp thì hiện tại có hơn 3.500 doanh nghiệp có khai thuế, từ đó cho thấy Hậu Giang đang chứng minh sức mạnh và đa dạng của cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Đặc biệt, nhóm 20 doanh nghiệp nổi bật với giá trị sản xuất ấn tượng từ 500 tỉ đồng đến dưới 13.000 tỉ đồng/năm.

Ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, rất ấn tượng với chính sách “Cam kết 2 nhanh 3 tốt” của tỉnh. Đối với ông, đây không chỉ là một cam kết mà còn là nguồn động viên lớn để thu hút và giữ chân những nhà đầu tư.

Với tầm nhìn và quyết tâm, tỉnh đã đặt ra những mục tiêu mạnh mẽ cho tương lai. Từ chỗ chỉ có 2 khu công nghiệp (KCN) với diện tích chưa đến 500ha, Hậu Giang quyết định mở rộng với kế hoạch quy hoạch mới 7 KCN với diện tích khoảng 1.741ha, nâng tổng diện tích KCN toàn tỉnh ước khoảng 2.233ha. Điều này là bước tiến quan trọng để đưa “con thuyền” công nghiệp của tỉnh đi xa hơn trong giai đoạn 2021-2030.

Để thu hút nhà đầu tư vào các KCN, Hậu Giang đã ban hành tiêu chí lựa chọn, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như logistics, chế biến thực phẩm, nông sản, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và công nghệ cao như điện tử, máy tính, chế tạo thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quyết định lựa chọn nhóm ngành phù hợp được đưa ra dựa trên lợi ích kinh tế cao, cân nhắc đặc thù xã hội và sự hỗ trợ giữa các ngành. Chủ trương này cũng thể hiện cam kết không đánh đổi về môi trường, hướng tới việc phát triển kinh tế bền vững đồng thời đảm bảo an sinh xã hội cho cộng đồng địa phương.

Theo định hướng, tỉnh Hậu Giang đặt kế hoạch xây dựng hai trung tâm công nghiệp. Trung tâm công nghiệp đầu tiên sẽ được đặt tại khu vực của huyện Châu Thành và Châu Thành A. Trung tâm công nghiệp thứ hai sẽ nằm ở khu vực nút giao giữa tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, tại huyện Phụng Hiệp.

Hai trung tâm công nghiệp này sẽ được xây dựng với cấu trúc đất đai tích hợp công nghiệp, hòa quyện với yếu tố sinh thái, cảnh quan và không gian đô thị. Điều này phản ánh cam kết của tỉnh Hậu Giang trong việc phát triển các khu công nghiệp một cách bền vững, tôn trọng đến môi trường và không gian sống của cộng đồng.

Hậu Giang tuổi 20 trẻ trung, đang tỏa sáng với những thành tựu đầy rực rỡ. Năm 2024 được kỳ vọng sẽ là một năm tràn đầy thành công và đổi mới. Cùng với sự nỗ lực không ngừng từ lãnh đạo tỉnh đến Nhân dân, Hậu Giang hứa hẹn tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế quốc gia và quốc tế, góp phần vào sự thịnh vượng chung của đất nước…

Giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện theo giá thực tế năm 2023 được 66.512  tỉ đồng, tăng 20,60% so với cùng kỳ năm trước và vượt 2,77% so với kế hoạch năm. Hậu Giang hiện có 2 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 492ha, với tỷ lệ lấp đầy hơn 93%. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã thu hút 63 dự án, trong đó có 45 dự án đã đi vào hoạt động, với vốn đầu tư khoảng 26.993 tỉ đồng và 227 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 26.580 lao động. Ngoài ra, tỉnh còn có 7 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích 486,55ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 70%. Hiện nay đã thu hút được 52 dự án, trong đó 32 dự án đã đi vào hoạt động, với vốn đầu tư là hơn 18.930 tỉ đồng và 390 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 7.900 lao động.

 

Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>