Đa dạng mô hình phát triển kinh tế

01/08/2019 | 08:23 GMT+7

Hiện nay, nhiều nông dân ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, chủ động tìm tòi và xây dựng các mô hình sản xuất mới để phát triển kinh tế hộ gia đình và góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Ông Thùy (phải), ở ấp Mỹ Hòa, phát triển mô hình nuôi dế hơn 2 tháng nay.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyền, Chủ tịch UBND thị trấn Cây Dương, năm 2019, thị trấn tiếp tục thực hiện theo kế hoạch của UBND huyện về chuyển đổi cây trồng và vật nuôi. Đối với cây trồng, trên địa bàn hiện nay còn 106ha mía kém hiệu quả, theo kế hoạch sẽ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Riêng các hộ muốn chuyển đổi sang trồng chanh không hạt còn được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 100% cây giống. Đồng thời, loại cây trồng này đã có doanh nghiệp mong muốn bao tiêu sau thu hoạch. Qua quá trình vận động chuyển đổi, có 14 hộ tham gia với tổng diện tích trên 15ha. Bên cạnh đó, thị trấn cũng vận động những hộ có diện tích trồng cây ăn trái kém hiệu quả, lão hóa, bị dịch bệnh nên có hướng chuyển đổi hoặc trồng xen các loại cây khác.

Tại thị trấn Cây Dương, 3 hộ có đàn heo bị dịch tả heo châu Phi nên địa phương khuyến cáo bà con không vội tái đàn vào thời gian này để tránh dịch bệnh. Đồng thời, Tổ kỹ thuật thị trấn kịp thời thông tin và tư vấn cho bà con chuyển đổi sang một số mô hình tạm thời để tạo thu nhập, đa dạng các đối tượng nuôi để tránh rủi ro. Hiện nay, địa phương cũng có nhiều mô hình hiệu quả, có tiềm năng nhân rộng để người dân lựa chọn, học hỏi thêm kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi.

Ông Nguyễn Văn Thùy, ở ấp Mỹ Hòa, thị trấn Cây Dương, có đàn heo rừng gần trăm con. Tuy giá heo ở mức cao (100.000 đồng/kg) và luôn tiêu thụ ổn định nhưng ông vẫn lo lắng khi tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, vì tại địa phương cũng đã ghi nhận trường hợp heo bị nhiễm bệnh. Hiện ngoài áp dụng các biện pháp phòng dịch được phổ biến, ông còn có hướng phát triển thêm các đối tượng nuôi mới để đảm bảo nguồn thu nhập.

Sau thời gian học hỏi từ bạn bè, tìm hiểu trên internet, ông lên tận tỉnh Tiền Giang mua trứng dế với giá 400.000 đồng/khay về gầy nuôi. Tại nhà, ông làm 2 khung sắt hình chữ nhật có trải bạt và lót sẵn nhiều khay trứng để làm nơi ở cho dế. Trong thời gian nuôi hơn 2 tháng, chi phí thức ăn hầu như không tốn kém gì, bởi vợ chồng ông tìm nguồn thức ăn tự nhiên và tự trồng rau lang, khoai mì làm thức ăn cho dế. Sau hơn một tháng có lứa thu hoạch đầu tiên, mỗi chuồng khoảng 15kg dế, số lượng này được các quán ăn, cửa hàng chim cảnh ở thành phố Cần Thơ đặt mua hết với giá 100.000 đồng/kg. Thấy hiệu quả mà chi phí thấp, gia đình dự tính làm thêm nhiều chuồng nuôi và sử dụng trứng dế sẵn có tại nhà để tiếp tục phát triển số lượng đàn dế.

Còn ở ấp Mỹ Lợi, một số hộ chọn mô hình nuôi lươn để phát triển kinh tế gia đình. Như anh Phan Thành Vinh không có đất sản xuất nhiều, bản thân làm nghề thợ sắt, nhưng chỉ làm thuê chứ không có cơ sở riêng nên thu nhập bấp bênh. Đến khi tham quan một trại nuôi lươn thương phẩm và lươn giống ở thành phố Cần Thơ thì anh quyết định tận dụng khoảng sân còn trống cạnh nhà cải tạo lại để nuôi lươn thương phẩm. Dù thừa nhận chỉ là “tay ngang” khi bắt đầu nuôi lươn nhưng nhìn bể bạt, giàn che mát và đường ống cấp thoát nước bố trí chỉn chu, bài bản cho thấy anh Vinh có sự đầu tư nghiêm túc và tính toán kỹ mới áp dụng.

Anh Vinh chia sẻ: “Chi phí bỏ ra ban đầu tính cả tiền 1.500 con giống là trên 20 triệu đồng. Tôi tiết kiệm một phần do tự thiết kế và làm phần khung sắt để lót bạt, diện tích khoảng 10m2. Từ khi thả nuôi đến nay khoảng 3 tháng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”. Theo anh Vinh, quan trọng nhất là thay nước thường xuyên để bể nuôi luôn sạch, theo dõi kỹ để kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu khác lạ và cho ăn đúng cử. Ước tính, sau 8 tháng nuôi lươn sẽ đạt kích cỡ thương phẩm (200 gram/con trở lên), với giá thị trường khoảng 180.000 đồng/kg thì anh cũng thu về không dưới 50 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Phát, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cây Dương, nhận định: Nuôi lươn là một trong những lựa chọn phù hợp với những hộ có diện tích đất sản xuất không lớn hoặc những hộ chăn nuôi heo bị ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi vừa qua tại địa phương, bởi có thể tận dụng chuồng có sẵn, cải tạo lại cho phù hợp với chi phí ban đầu không quá cao. Hơn nữa, hiện nay lươn thương phẩm có giá cao và được thị trường ưa chuộng nên đầu ra khá ổn định.

Bài, ảnh: THIÊN TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>