Hậu Giang - “Điểm sáng” trong bức tranh kinh tế

07/02/2024 | 06:21 GMT+7

Đi qua năm 2023 với nhiều thách thức, nhưng với quyết tâm cao độ, Hậu Giang đã vững vàng vượt khó, trở thành một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế - xã hội cả nước.

Tỉnh tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Những con số ấn tượng

Đánh giá của UBND tỉnh cho thấy, năm 2023, tình hình thế giới, khu vực, trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, khó lường, phức tạp, khó khăn nhiều hơn so với dự báo, tác động lớn đến sự phục hồi, phát triển nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân. Hậu Giang đã bám sát chỉ đạo, định hướng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, tỉnh thực hiện hoàn thành khá toàn diện 18/18 chỉ tiêu và tất cả các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023. Trong đó, có 14 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 12,27%, đứng thứ 2 cả nước, chưa bao giờ tỉnh đạt được như kết quả này, tăng 2 bậc so với năm 2022. Các lĩnh vực kinh tế đều tăng trưởng tốt. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, chỉ số năng lực cạnh tranh ngày càng được cải thiện, tăng bậc qua các năm và được xếp thứ hạng khá cao so với khu vực và cả nước. Tỉnh đã thành lập khu công nghệ số và 2 năm liên tiếp tổ chức thành công Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều sự kiện, phần việc mang tầm quốc tế, quốc gia lần đầu được tổ chức ngay trên địa bàn tỉnh (Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023; Tuần lễ NASA Việt Nam - Hậu Giang 2023), mang lại ý nghĩa hết sức lớn lao, giới thiệu Hậu Giang với các tỉnh, thành trong cả nước và giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có bước phát triển ổn định.

Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với nước, đối tượng bảo trợ xã hội kịp thời, đầy đủ. Đặc biệt tỉnh đã tổ chức trao hơn 1.400 căn nhà Đại đoàn kết cho gia đình khó khăn về nhà ở, đã cơ bản giải quyết dứt điểm về nhà ở cho các đối tượng khó khăn. Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh vào ngày 12-12-2023.

Công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng chiến lược được tỉnh quan tâm thực hiện; đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp; trong năm tỉnh được Thủ tướng Chính phủ bổ sung 2 Khu công nghiệp vào Quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam. Trong năm, tỉnh đã phối hợp tổ chức Lễ khởi công 2 dự án cao tốc quan trọng quốc gia đi qua địa bàn tỉnh; đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm của tỉnh và dự án Bộ Giao thông Vận tải đầu tư qua địa bàn tỉnh, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, phục vụ nhu cầu phát triển.

Xác định công tác thu hút đầu tư là một trong những giải pháp then chốt, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực rất lớn trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 328 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 186.284 tỉ đồng, trong đó có 263 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn hơn 37.096 tỉ đồng và 62 dự án trong khu công nghiệp với tổng số vốn hơn 148.905 tỉ đồng, 3 dự án trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với tổng số vốn hơn 289 tỉ đồng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lũy kế từ trước đến nay có 35 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký hơn 1.186 triệu USD.

Ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng hải Hậu Giang (VIMC Hậu Giang), cho biết: Năm 2023, công ty đã cán mốc 1 triệu tấn xếp dỡ háng hóa qua cảng. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm kể từ khi cảng ra đời, VIMC Hậu Giang xếp dỡ vượt mức 1 triệu tấn, tăng hơn 200.000 tấn so với năm 2022. Hiện, VIMC Hậu Giang là một trong những cảng có lượng hàng hóa xếp dỡ nhộn nhịp nằm trên tuyến sông Hậu.

“Việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông là bước phát triển rất tốt cho tỉnh Hậu Giang. Trong đó, có các đơn vị logistics, cảng kết nối với đường cao tốc tạo bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ xếp tấn hàng thứ 5 triệu trước năm 2030”, ông Phong khẳng định.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nhận định năm 2024 kinh tế thế giới cũng như trong nước vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, Minh Phú - Hậu Giang quyết tâm phấn đấu xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch cụ thể cho năm 2024 như: Sản lượng sản xuất 27.000 tấn; doanh thu xuất khẩu 270 triệu USD…

“Để đạt được điều này, Minh Phú đã xây dựng xong nhà máy tôm tẩm bột để đưa vào vận hành chính thức sau Tết Nguyên đán. Ngoài ra, đơn vị đã thành công trong việc áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm thương phẩm Minh Phú Bio nên chủ động một phần nguyên liệu đầu vào, việc điều chỉnh giảm lãi vay của các ngân hàng từ đầu năm 2024, lực lượng lao động dồi dào, thị trường xuất khẩu ổn định”, ông Lê Văn Quang bày tỏ.

Công nghiệp là trụ cột phát triển

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết: Một trong ba đột phá chiến lược của tỉnh là hoàn thiện, đồng bộ các thể chế và đặc biệt là kiến tạo những cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư. Khẩu hiệu hành động của tỉnh là “2 nhanh” và “3 tốt”. Đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”. Đặc biệt, tỉnh hướng đến doanh nghiệp, coi doanh nghiệp và người dân là trung tâm trong các cơ chế, chính sách cũng như trung tâm phục vụ.

Năm 2023, trong bối cảnh cả nước nói chung vẫn có khó khăn thể hiện tăng trưởng kinh tế của cả nước năm vừa qua tuột rất sâu so với dự kiến kế hoạch đầu năm. Hậu Giang luôn bám sát các chủ trương của Trung ương, chỉ đạo điều hành của Chính phủ gắn với Nghị quyết, các chương trình hành động của tỉnh, Hậu Giang lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá để phát triển. Và với sự vào cuộc rất đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của doanh nghiệp, người dân thì Hậu Giang kết thúc năm 2023 hoàn thành có thể nói là một trong những điểm sáng của cả nước. Về tăng trưởng kinh tế, Hậu Giang vươn lên đứng thứ 2 của cả nước chỉ sau Bắc Giang. Ông Nghiêm Xuân Thành cũng dẫn chứng, Hậu Giang từ tỉnh thu ngân sách đứng thứ 13/13 tỉnh thì đến nay đã vươn lên đứng trên mức trung bình trong 13 tỉnh của ĐBSCL. Điều đó được thể hiện nỗ lực rất lớn.

“Trong những kết quả chung đó, chắc chắn cái quan trọng nhất là có sự đóng góp của các doanh nghiệp, bởi vì trong cơ cấu tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang chủ yếu từ công nghiệp. Nông nghiệp nếu tăng cao nhất cũng chỉ được 4-5%. Để đỡ được trụ cột nông nghiệp thì công nghiệp phải liên tục tăng trưởng từ 20-30% trở lên. Cái thứ 2 nếu nói thu ngân sách chủ yếu cũng phải thu từ các doanh nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất. Do đó, đây là 2 điểm đóng góp trọng yếu vào những thành tựu có thể nói rất nổi bật của Hậu Giang trong thời gian qua”, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>