Triển vọng mô hình nuôi tôm đạt 60 tấn/ha/vụ ở Cà Mau

22/02/2024 | 15:31 GMT+7

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học đã được người dân Cà Mau thí điểm thành công. Năng suất mỗi vụ tôm đạt đến 60 tấn/ha.

Gia đình ông Huỳnh Thái Nguyên (ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học (nuôi tôm siêu thâm canh an toàn sinh học) được 5 vụ.

Kết quả cho thấy, cả 5 vụ nuôi đều thành công, với thời gian nuôi trung bình 90 ngày/vụ, thu về tôm kích cở từ 26 - 40 con/kg, năng suất trung bình đạt 60 tấn/ha/vụ. Qua tính toán, tổng chi phí đầu tư cho mỗi kg tôm đến lúc thu hoạch từ 80.000 – 100.000 đồng, giá bán từ 120.000-140.000 đồng (tuỳ kích cỡ).

Mô hình nuôi trôm siêu thâm canh 3 giai đoạn an toàn sinh học của gia đình Huỳnh Thái Nguyên

Gia đình ông Huỳnh Thái Nguyên là một trong 2 hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau thực hiện Dự án nuôi tôm siêu thâm canh an toàn sinh học. Tham gia dự án hộ dân được Nhà nước và tổ chức Cirad hỗ trợ 30% chi phí đầu tư nuôi.

Ưu điểm của mô hình nuôi này là thực hiện được từ 6-8 vụ/năm; tôm nuôi không có kháng sinh, chất lượng tôm nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; hệ thống nuôi tuần hoàn không xả thải ra môi trường bên ngoài.

Vừa qua, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau cùng đoàn công tác đã đến khảo sát mô hình nuôi tôm siêu thâm canh an toàn sinh học của các hộ dân được hỗ trợ. Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đánh giá, Dự án nuôi tôm siêu thâm canh an toàn sinh học đã thành công bước đầu, đặc biệt là kiểm chứng được công nghệ nuôi đạt hiệu quả. Tuy nhiên, còn một số hạn chế cần khắc phục về thiết kế ao nuôi, chi phí đầu tư.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau (ngoài cùng, bên phải) cùng đoàn công tác khảo sát mô hình

Trong chuyến khảo sát, ông Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh cần tính toán lại quy hoạch vùng nuôi, khu vực nuôi tập trung, tránh nhỏ lẻ nhằm huy động đầu tư của Nhà nước về hạ tầng phục vụ nhân dân; hỗ trợ nông dân về mặt chính sách, kỹ thuật, vốn…

Cà Mau có thế mạnh nuôi tôm nên phát triển nuôi theo cách nào, công nghệ nào… cũng phải hướng đến hiệu quả tốt nhất cho nông dân; cần hướng đến nuôi tôm sạch, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế tối đa dịch bệnh.

Theo Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>