Toàn cầu thiệt hại 1.000 tỉ USD/năm về năng suất do người lao động trầm cảm và lo lắng

01/12/2023 | 10:42 GMT+7

Trên toàn cầu, ước tính mất khoảng 12 tỉ ngày làm việc mỗi năm do trầm cảm và lo lắng, gây thiệt hại 1.000 tỉ USD/năm về năng suất lao động. Tại Việt Nam, 42% người lao động thường xuyên gặp căng thẳng.

Trong khuôn khổ Hội nghị doanh nghiệp Vương quốc Bỉ - Luxembourg tại Việt Nam (BeLuxCham - diễn ra trong hai ngày 30-11 và 1-12), chiều 30-11, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ và BeLuxCham đã phối hợp Doanh nghiệp xã hội Tâm Nhung tổ chức phiên thảo luận về chủ đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lao động.

Ảnh minh họa Báo Hậu Giang.

Tại phiên thảo luận, các diễn giả đưa ra thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.

Theo đó, ước tính 15% người trưởng thành trong độ tuổi lao động được chẩn đoán rối loạn tâm thần (năm 2019). Trên toàn cầu, mỗi năm có khoảng 12 tỉ ngày làm việc bị thất thoát do trầm cảm và lo lắng (chiếm khoảng 20,7%), gây thiệt hại 1.000 tỉ USD mỗi năm về năng suất lao động.

Tại Việt Nam, có khoảng 42% người lao động thường xuyên gặp căng thẳng. Riêng công nhân, có 22% người cho biết cuộc sống cá nhân và gia đình là nguyên nhân chính gây căng thẳng tại nơi làm việc.

Có khoảng 98,3% lao động nữ có con hoặc đang mang thai, 22,4% đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Với những nhân viên có con ở nhà, mức độ căng thẳng của họ trong công việc và cuộc sống cao hơn 40% những người chưa có con.

Theo tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, tỉ lệ người dân trong cộng đồng bị trầm cảm, lo âu rất lớn, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Theo nhiều báo cáo, cứ 5 người lao động làm việc trong doanh nghiệp thì có 3 người bị áp lực, căng thẳng.

Không chỉ quan tâm sức khỏe tâm thần người lao động mà còn chú ý đến con của họ, bà Lesley Miller - phó đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) - cho rằng phụ huynh cần tập trung vào sức khỏe, sự an toàn và hành vi của trẻ, nhận diện sớm cũng như ngăn ngừa bạo lực gia đình…

Các giải pháp được chuyên gia đề cập là doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc và tập trung vào hiệu suất công việc.

Đồng thời, thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần, hay các chương trình hỗ trợ cho những công nhân viên có vấn đề về sức khỏe tâm thần, ví dụ như gói tham vấn, trị liệu tâm lý…

Ngoài doanh nghiệp, TS Steve Phạm - chủ tịch sáng lập ESI Leadership Institute - cho hay mỗi cá nhân người lao động cũng cần biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thực tế nhiều người cố gắng làm việc để đạt kết quả tốt hơn, vị trí cao hơn thường dễ rơi vào trạng thái kiệt quệ về thể chất và tinh thần.

Theo bà Trần Huyền Nhung - giám đốc điều hành Doanh nghiệp xã hội Tâm Nhung, người dân và bản thân người lao động cần chủ động phòng ngừa các vấn đề bất ổn sức khỏe tâm thần. Tìm kiếm chuyên gia tham vấn và điều trị thích hợp ngay từ giai đoạn đầu để cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm thiểu các biến chứng do rối loạn tâm thần gây ra.

Theo XUÂN MAI – Tuổi trẻ online (Tít do Báo Hậu Giang đặt)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>