Đồng bằng sông Cửu Long: Sạt lở “bủa vây”

06/08/2019 | 17:18 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối diện với cảnh sạt lở tràn lan từ sông Hậu, sông Tiền đến các tuyến đê ven biển. Hàng chục ngàn người dân trong vùng đang cần di dời khẩn cấp.

Tại Hậu Giang, hiện có 40 điểm sạt lở nóng - trong ảnh là vụ sạt lở tại xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, cuốn đi nhiều nhà dân.

Liên tục ban bố tình huống khẩn cấp do sạt lở

Mới nhất là vụ sạt lở Quốc lộ 91, đoạn đi qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, diễn ra vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8-2019. Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh An Giang đang phối hợp thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục sự cố sạt lở. Trong tuần qua, tỉnh An Giang phải hai lần ban bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) và sạt lở bờ rạch Ông Chưởng (huyện Chợ Mới). Đây không phải là địa phương đầu tiên “ban bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng”. Liên tục trong 3 năm qua, các công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở liên tục được các tỉnh An Giang, Đồng Tháp phát đi. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở nhiều địa phương.

Chính quyền địa phương từng xử lý vụ lở đất làm đứt Quốc lộ 91 khi lấp một hố xoáy từ lòng sông bằng bao cát. Không chỉ tại huyện Châu Phú, mà các địa phương như An Phú, Tân Châu, Long Xuyên và Chợ Mới cũng xảy ra sạt lở dọc bờ sông. Thống kế sơ bộ có hơn 9.000 hộ dân bị sạt lở đe dọa. Trong đó, huyện Chợ Mới nằm giữa sông Hậu và sông Tiền có nguy cơ sạt lở cao nhất. Tỉnh An Giang đang đề xuất Chính phủ để có cơ chế kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng sạt lở.

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, ĐBSCL hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km. Trong đó có 42 vị trí sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 149km cần phải xử lý cấp bách để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Sạt lở gần như “bủa vây” khắp ĐBSCL từ cặp các bờ sông Tiền, sông Hậu, đê biển Tây, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn, đến các vạt rừng ven biển đều chịu thiệt hại nghiêm trọng. Chỉ thống kê sơ bộ tại An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu và Cà Mau đã cần phải đầu tư khoảng 6.990 tỉ đồng để xây dựng các công trình kè, đê và di dời dân khỏi vùng sạt lở. Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 cho vùng ĐBSCL xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu.

Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

“Sạt lở không còn tuân theo một quy luật thiên nhiên. Nguyên nhân sạt lở ở ĐBSCL nổi lên là do mất cân bằng. Trước tiên là thiếu phù sa do các đập thủy điện trên dòng Mekong chắn lại, thiếu cát là do khai thác cát quá tải”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL chỉ ra. Các chuyên gia nhận định: Giải pháp bờ kè chống sạt lở tốn nhiều chi phí nhưng không mang tính bền vững. Cần thực hiện ngay các giải pháp đối phó khả thi, hạn chế được những tác động từ con người như: Ngăn chặn việc khai thác cát tràn lan làm thay đổi dòng chảy, hạn chế các tàu bè gây sóng lớn trên các sông, rạch…       

ĐBSCL không chỉ đối diện với tình trạng nước biển dâng mà còn đang “tự chìm”. Đây là một hình ảnh đáng lo ngại từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học khi thực hiện Dự án “Rise and Fall” 2 vừa công bố kết quả tốc độ sụt lún trung bình ở ĐBSCL ở mức 1-2cm ở vùng nông thôn và tới 2,5cm ở khu vực thành thị và khu công nghiệp. Dự án “Rise and Fall” do Đại học Utrecht (Hà Lan) hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ để xây dựng chiến lược khai thác nước dưới đất hợp lý nhằm giảm thiểu các vấn đề về sụt lún đất và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Kết quả đã chỉ ra rằng: Khu vực ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh đang xảy ra sụt lún ở nhiều mức độ và quá trình lún ngày càng gia tăng. Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đang bị lún với độ lún bình quân trong giai đoạn từ 5-10cm, tỉnh An Giang và phía Đông tỉnh Kiên Giang bị lún ít; phía Nam tỉnh Kiên Giang, thành phố Cần Thơ và các tỉnh phía Đông sông Hậu (Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Đồng Tháp) độ lún khoảng 1-5cm… so với năm 2005.

Đề cập đến vấn đề sạt lở ở ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tất cả các bộ, đặc biệt là các địa phương trong vùng triển khai đồng bộ, kịp thời hơn các giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ (Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu) trên tinh thần bảo đảm an toàn tính mạng, giữ đất, giữ người, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, không để sạt lở gần hết rồi mới chạy đi tìm nguồn lực giải quyết”.

“Cần nhanh chóng khảo sát xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở cao, có phương án thích nghi trước mắt và lâu dài. Nếu chỉ tập trung khảo sát bờ sông tại ĐBSCL thì chỉ dừng lại mô tả hiện tại. Việc dự báo cho tương lai vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, cần thông qua kênh ngoại giao để khảo sát sông Mekong từ thượng nguồn đến ĐBSCL”, tiến sĩ Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ, đề xuất.

Bài, ảnh: CAO PHONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>