Mặn tràn về, lục bình héo, lòng người cũng... “héo”

07/05/2024 | 09:03 GMT+7

Nước mặn tràn về, khiến người dân ở một số địa phương của huyện Long Mỹ chuyên sống bằng nghề “nuôi” lục bình ven sông rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Cảnh cắt lục bình chạy mặn phản ánh nắng hạn gay gắt chưa có hồi kết...

Cắt lục bình chạy… mặn

Gần tuần nay, bà Trần Thị Mỹ Châu, ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn A, tranh thủ thuê thêm người phụ cắt hơn 3 công lục bình được khoanh nuôi ở sông Nước Đục. Do nước mặn, lục bình bắt đầu ngả màu, héo lá, một số thối rễ, thối cọng. Một bụi lục bình thông thường đến ngày thu hoạch (khoảng 3 tháng) có từ 10-12 cọng, giờ chỉ cắt được khoảng 1/3 số đó.

Đôi mắt đượm buồn, bà Châu chia sẻ: “Dù theo dõi biết thông tin về nồng độ mặn nhưng lục bình nuôi trên sông đành phải chịu. Tại lục bình đâu phải muốn cắt là cắt, như đám này tôi mới nuôi 2 tháng, cọng non, nhỏ, ngắn, nhẹ ký, lại ảnh hưởng mặn bị thối nên chẳng còn bao nhiêu. Thông thường, mỗi vụ tôi thu trên 10 tấn lục bình tươi thì nay đoán chừng 3 tấn. Bây giờ cắt vớt vát được bao nhiêu hay bấy nhiêu chứ bỏ uổng lắm”.

Cũng chuyên sống bằng nghề thuê bãi nuôi lục bình, bà Huỳnh Thị Phượng, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, trầm ngâm khi được hỏi về vụ lục bình năm nay. Gia đình ít đất sản xuất nên bà Phượng mướn 2 công lục bình nuôi ven sông, giá 1 triệu đồng/công. Bình quân mỗi vụ, trừ chi phí thu về hơn chục triệu đồng tiền lời, đủ cho sinh hoạt trong gia đình. Khi thấy nước mặn về, vợ chồng bà Phượng tranh thủ thu hoạch nhưng không thuê được người phụ vì ai cũng tự lo cắt chạy… mặn.

Bà Phượng cho biết: “Hiện còn hơn nửa công lục bình vẫn chưa cắt được, chỉ hy vọng nước mặn giảm, lục bình sống lại đỡ khổ cho dân. Bình thường, sau khi cắt xong, tôi rào lại nuôi lứa mới chừng 3 tháng là cắt được, nay chắc phải đợi mưa xuống nhiều, lục bình con sống lại tầm khoảng tháng 6. Từ đây tới đó còn mấy tháng nữa không biết tiền đâu để lo chi phí sinh hoạt, thấy rầu quá”.

Với những đám lục bình mới khoanh nuôi được hơn 1 tháng đành ngậm ngùi “đứng chịu trận” giữa dòng nước mặn, chờ cơ hội hồi sinh.

Lục bình nhiễm mặn, héo khi cắt về đem phơi gốc bị đen, cọng thành phẩm không đẹp khiến giá bán giảm khoảng 20%. Hiện lục bình khô được thương lái thu mua giá từ 17.000 đồng đến 18.000 đồng/kg, trong khi lục bình nhiễm mặn, thương lái chỉ thu từ 13.000-14.000 đồng/kg.

Vớt vát được bao nhiêu hay bấy nhiêu

Giữa cái nắng rát thịt da của những ngày cuối tháng 4, trên dòng sông Nước Đục, vẫn có hàng chục người dân miệt mài, cần mẫn cứu vớt lục bình ra khỏi dòng nước mặn. Người cắt lục bình bắt đầu công việc từ lúc 5 giờ sáng, không nghỉ trưa mà tranh thủ ăn uống ngay trên xuồng, rồi kết thúc ngày làm khoảng 18 giờ.

Toàn xã Vĩnh Viễn A hiện có trên 100 hộ dân “nuôi” lục bình ven sông, nhiều người không có đất sản xuất, thu nhập chủ yếu nhờ nghề này. Từ loài cây không có giá trị, lục bình đã đem lại nguồn lợi đáng kể, thường xuyên, phù hợp với người dân địa phương. Ông Nguyễn Văn Hai, ở ấp 10, xã Vĩnh Viễn A, cho biết: “Năm nào nước mặn cũng về nhưng năm nay thì độ mặn cao giống như đợt mặn năm 2016, 2020, cây lục bình cũng chết sạch khiến người dân điêu đứng. Bây giờ chỉ mong có nhiều cơn mưa xuống, để nồng độ mặn giảm, lục bình mới tỉnh trở lại”.

Ngoài thuê bãi nuôi lục bình, nhiều người đi cắt thuê, cắt lục bình trôi về phơi bán, hay tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để đan đát. Cây lục bình bị nước mặn tấn công khiến người dân chuyên sống bằng nghề cắt, nuôi không còn việc làm, cuộc sống nhiều gia đình cũng theo đó mà khó khăn hơn. Chị Nguyễn Thị Điệp, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, cho biết: “Cắt lục bình thuê giá 500 đồng/kg, mỗi ngày tôi thu nhập khoảng 200.000 đồng. Rảnh thì cắt lục bình trôi đem phơi bán cũng đủ tiền chợ. Giờ nước mặn về lục bình không còn, tôi cũng mất đi nguồn thu nhập”.

Cây lục bình giúp nhiều người dân ở xã Vĩnh Viễn A, Vĩnh Thuận Đông... có của ăn, của để, thu nhập ổn định.

 Giờ đây, màu xanh của lục bình trên dòng sông Nước Đục hiền hòa từng đem lại niềm hy vọng về cuộc sống khởi sắc lại trở thành một màu vàng úa khiến nhiều người xót xa, nặng lòng với nỗi mưu sinh khi mặn tràn về và ngày càng gay gắt...

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>