Nỗi lo trước mùa lũ

13/08/2018 | 08:27 GMT+7

Trước tình hình nước trên kênh nội đồng đang dâng cao, cộng với dự báo của ngành chức năng là năm nay Hậu Giang có lũ lớn làm cho nhiều nông dân lo lắng.

Nước lũ đang dâng và ngập đến đầu gối chân tại các cánh đồng không canh tác lúa vụ 3 trên địa bàn tỉnh.

Lũ sẽ ở mức báo động II

Theo dự báo của Cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương và Khu vực Nam bộ, năm nay các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có lũ sớm và đỉnh lũ sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm (lũ ở mức báo động II), trong đó lũ bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 8 này và sẽ đạt đỉnh lũ vào khoảng giữa tháng 10 tới. Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết nên nhiều khả năng nước lũ năm nay sẽ cao hơn dự báo và điều lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, bởi những ngày qua mưa dầm liên tục xuất hiện trên diện rộng tại tỉnh Hậu Giang và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL làm cho mực nước ở các tuyến kênh nội đồng đang dâng lên khá nhanh.   

Điển hình như ở cánh đồng lúa ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, dù nằm trong khu vực có hệ thống đê bao khép kín nhưng những ngày qua, ông Đặng Hữu Tình cùng nhiều bà con nơi đây vẫn thường xuyên lấy máy túc trực ngoài đồng để bơm thoát nước từ trong ruộng ra ngoài nhằm bảo vệ diện tích lúa Thu đông của gia đình hơn một tháng tuổi. Ông Tình cho biết: “Do mưa dầm liên tục nên nước dưới kênh và trên ruộng dâng lên khá nhiều. Nước đã ngập đến nửa cây lúa nên rất chậm phát triển, thấy vậy tôi và bà con lấy máy bươm nước ra ngoài khi những cơn mưa dầm vừa tạnh, đồng thời khi nước cạn có thể rải thêm phân vào để giúp cây lúa đẻ nhánh nhanh và phát triển hơn. Thế nhưng, trước tình hình mưa dầm kéo dài như những ngày qua làm cho bà con ở đây lo lắng vì tốn nhiều công sức trong bơm thoát nước và cây lúa phần nào cũng bị ảnh hưởng”.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện những cánh đồng nào có gieo sạ vụ lúa Thu đông (lúa vụ 3) và được bà con thường xuyên bơm rút nước thì mực nước chủ yếu từ nửa cây lúa trở xuống. Riêng những cánh đồng mà nông dân không canh tác lúa vụ 3 thì mực nước trên ruộng đang ở mức khá cao, có nơi đã lên đến khoảng 50cm. Cũng tại những cánh đồng không sạ lúa vụ 3, nhiều người hành nghề đẩy côn, giăng lưới, đặt dớn bắt cá… đã hoạt động. Vừa giăng xong tay lưới dài 100m và tranh thủ bắt vài con ốc về cho vịt ăn trên cánh đồng không canh tác vụ 3 ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, ông Nguyễn Văn Hoàng thông tin: “So với cùng kỳ năm trước thì hiện mực nước ở cánh đồng này cao hơn mấy phân. Mới lúc này mà nước đã ngập qua đầu gối chân nên khả năng sẽ còn dâng cao trong những ngày tới. Khi thấy nước nhiều nên những ngày qua tôi với mấy anh em tranh thủ đi đẩy côn, giăng lưới; riêng tôi mỗi ngày cũng kiếm được hơn một ký cá đồng về ăn”.

Tích cực phòng, chống

Cùng với nông dân trồng lúa thì những ngày qua, không ít bà con trồng mía tại các vùng mía nguyên liệu của tỉnh, như: huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh cũng bắt đầu lo lắng trước tình hình nước triều cường đang dâng cao trên các tuyến kênh và gây ngập xem xép mặt liếp tại một số diện tích mía của bà con. Đang rảo quanh thăm hơn 2,2ha mía (giống ROC 16) hơn 9 tháng tuổi của gia đình, ông Võ Hoàng Anh, ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Cánh đồng mía rộng hơn 200ha phía sau nhà tôi dù có hệ thống đê bao nhưng do không có máy bơm tập trung, còn từng hộ bơm riêng lẻ thì khó khăn nên những cơn mưa dầm vừa qua có thời điểm nước dâng cao và làm ngập mặt liếp mía ở những bờ liếp thấp. Trong khi mía còn phải chờ gần hai tháng nữa mới thu hoạch theo kế hoạch của nhà máy đường nên phần nào tạo sự lo lắng cho bà con. Những ngày gần đây, thời tiết có hơi hửng nắng trở lại nên nước cũng rút dần, nhưng mực nước vẫn còn cao và mưa dầm cứ diễn ra thế này thì bà con vẫn còn lo lắng cho đến ngày bán mía xong mới an tâm”.

Trước dự báo lũ năm nay sẽ cao hơn mọi năm, do đó để hạn chế mía bị thiệt hại vì lũ, hiện ông Hoàng Anh và nhiều bà con trồng mía mong ngành chức năng sớm có giải pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ cây mía trước lũ, đồng thời các nhà máy đường xem xét vào vụ sớm hơn kế hoạch vì giống mía ROC 16 đã gần chín. Nếu vào vụ trễ và gặp lũ lớn thì sẽ rơi vào hoàn cảnh mía bị ùn ứ do thiếu nhân công thu hoạch, khi đó chuyện nhiều diện mía bị thiệt hại do lũ sẽ khó tránh khỏi. Bởi, qua thống kê của ngành chức năng, niên vụ mía 2018-2019, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống gần 10.800ha và trong số diện tích mía đã xuống giống thì hiện có khoảng 5.000ha nằm ngoài vùng đê bao. Từ thực trạng trên thì việc ngành chức năng chủ động đưa ra các giải pháp trong phòng, chống mưa lũ là điều cần thiết trong lúc này không chỉ có riêng vùng mía nguyên liệu mà còn cả vùng lúa, cây ăn trái và hoa màu trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Có điều đáng mừng là qua công tác xây dựng hệ thống đê bao thủy lợi trong thời gian qua từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, xã hội hóa của địa phương nên hiện toàn tỉnh có khoảng 55.000ha lúa, 12.000ha cây ăn trái và khoảng 7.000ha mía có đê bao khép kín, chủ động được nguồn nước tưới tiêu và ngăn lũ. Như vậy, với diện tích lúa vụ 3 dự kiến xuống giống khoảng 50.000ha và tổng diện tích vườn cây ăn trái khoảng 12.000ha trên địa bàn tỉnh thì bước đầu chúng ta an tâm với tình hình mưa lũ sẽ không gây thiệt hại cho hai loại cây trồng này. Lo lắng hiện nay là diện tích mía nằm ngoài đê bao nên ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương có diện tích mía này sớm có kế hoạch thu hoạch trước khi mía vừa đạt độ chín nhằm hạn chế thiệt hại do lũ gây ra.

Cũng theo ông Đồng, dù diện tích lúa vụ 3 và cây ăn trái trên địa bàn tỉnh hiện cơ bản có hệ thống đê bao, nhưng trước dự báo năm nay sẽ có lũ cao hơn so với cùng kỳ và cao hơn dự báo, do đó ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị chính quyền địa phương và người dân không nên chủ quan, lơ là mà phải chủ động có kế hoạch phòng, chống ngay trong lúc này. Cụ thể, yêu cầu các địa phương thực hiện tốt các chỉ thị, kế hoạch của UBND tỉnh về công tác chủ động phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn năm 2018 trên địa bàn mình. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo của cơ quan chức năng từ Trung ương đến tỉnh để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân biết mà kịp thời có kế hoạch phòng, tránh hiệu quả vào từng thời điểm. Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức rà soát và tiến hành duy tu, sửa chữa lại hệ thống đê bao, cống đập ở những nơi đã xuống cấp, khả năng chống lũ không cao để bảo vệ tốt diện tích lúa, mía, cây ăn trái cho người dân trong mùa lũ được dự báo là sẽ khó lường sắp diễn ra. Đặc biệt, những vùng không đủ điều kiện về hệ thống đê bao thì vận động người dân không xuống giống vụ lúa Thu đông nhằm tránh thiệt hại về sau...

Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ lúa Thu đông năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ xuống giống khoảng 50.000ha trong tổng số gần 80.000ha đất sản xuất lúa của tỉnh. Đến thời điểm này, bà con đã gieo sạ được gần 35.000ha, tập trung ở huyện Vị Thủy (gần 11.600ha), Châu Thành A (gần 7.500ha), Phụng Hiệp (hơn 6.600ha), huyện Long Mỹ (hơn 5.400ha), thành phố Vị Thanh (hơn 2.200ha)… Hiện các diện tích lúa chủ yếu trong giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh, một phần nhỏ diện tích trong giai đoạn làm đòng và đang phát triển tốt. Bên cạnh đó, những vùng nằm trong hệ thống đê bao, sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè thu thì bà con cũng đang tích cực vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ lại lúa Thu đông theo lịch khuyến cáo.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>