Chuyển đổi cây trồng hiệu quả

14/06/2018 | 08:55 GMT+7

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm giàu cho gia đình, địa phương là cách mà nhiều nông dân ở huyện Long Mỹ đã làm được trong 5 năm gần đây. Từ đó, cơ cấu kinh tế địa phương trong huyện dần chuyển dịch theo hướng bền vững.

Nhiều năm nay, mô hình trồng bưởi da xanh ở xã Vĩnh Viễn, Thuận Hưng được nhiều nông dân lựa chọn. Hơn 2 năm qua, tại xã Vĩnh Viễn đã thành lập được Hợp tác xã (HTX) Tiến Nông, chuyên sản xuất bưởi cung ứng cho thị trường. Ông Trần Văn Tôn, Giám đốc HTX Tiến Nông, cho hay: “Bưởi da xanh luôn bán được giá cao và năng suất khá. Tuy cây khó chăm sóc, nhưng thành viên HTX đã được cán bộ kỹ thuật, nhà khoa học hướng dẫn cách cải tạo, lên liếp, đắp mô tránh bị nhiễm phèn. Bằng chứng là hiện nay, hàng chục héc-ta bưởi của HTX đang sinh trưởng và phát triển tốt, gần một nửa diện tích đang cho trái đạt tiêu chuẩn VietGAP”.

Nhiều nông dân ở huyện Long Mỹ chọn cây bưởi da xanh để phát triển kinh tế.

Nhận thấy bưởi da xanh đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao nên ông Nguyễn Văng Trạng, ở ấp 8, xã Thuận Hưng, đã dần mở rộng diện tích bưởi da xanh của gia đình lên 4.000m2. Ông Trạng cho hay: “Vườn bưởi và mô hình trồng xen của nhà tôi mấy năm nay cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Mới đây, tôi còn được huyện chọn để tham gia hỗ trợ sử dụng chế phẩm sinh học của Tổ chức FACT (Hàn Quốc). Hy vọng khi tham gia dự án, vườn bưởi sẽ sinh trưởng tốt, bền vững và cho trái đạt chuẩn sạch và chất lượng hơn”.

Cũng thông qua Hội Nông dân, ngành nông nghiệp địa phương, ông Lê Bảy Nhỏ, ở ấp 9, xã Lương Tâm, đã tham gia mô hình trồng đậu bắp Nhật hơn 1 năm qua. Mô hình này cho ông nguồn thu nhập gấp nhiều lần so với làm lúa trên mảnh ruộng kém hiệu quả của mình. Ông Bảy Nhỏ tâm sự: “Nhờ tham gia mô hình trồng đậu bắp mà mỗi vụ nhà tôi kiếm lời được gần 100 triệu đồng/1,1ha. Công việc trồng, hái trái tuy vất vả nhưng có hiệu quả cao. Vả lại, đậu bắp được thương lái bao tiêu và thu mua đều đặn nên nhà tôi ai cũng phấn khởi duy trì thực hiện mô hình trồng đậu bắp, không làm lúa nữa”.

Đối với các thành phần kinh tế tập thể ở huyện Long Mỹ cũng không đứng ngoài cuộc trong vận động thành viên tham gia phát triển kinh tế. HTX ấp 9, xã Lương Tâm, cũng vận động nông dân, hội viên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp. HTX thực hiện các dịch vụ thiết yếu như bơm tưới, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Dịch vụ này vừa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho thành viên và còn đem lại nguồn thu cho tập thể. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc HTX, thông tin: “HTX mới thành lập năm 2017 còn rất nhiều khó khăn, nhưng 41 thành viên đã xác định phấn đấu hoạt động hiệu quả để cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Đó là xây dựng, duy trì cách làm của HTX, thực hiện tốt tiêu chí 13 của xã nông thôn mới”. Đến nay, dù chưa đầy 1 năm hoạt động, nhưng HTX đã thu hồi được vốn ban đầu từ dịch vụ cắt lúa bằng máy gặt đập liên hợp. HTX còn chủ động mở rộng dịch vụ cắt lúa tại các địa bàn xung quanh như tỉnh Bạc Liêu, thị xã Long Mỹ. Năm qua, từ dịch vụ này mà HTX có doanh thu trên 165 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lời được 70 triệu đồng.

Ông Lê Hoàng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Mỹ, cho biết: Phát huy vai trò của hội viên nông dân trong phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện thường xuyên liên kết với các ngành liên quan, các địa phương tập huấn kỹ thuật, dạy nghề để nâng cao kỹ năng cho nông dân. Bên cạnh đó, hàng năm còn phát động nhiều phong trào như nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới… Và điều quan trọng nhất là nông dân hiện nay rất chủ động, nhận thức tốt theo định hướng và bắt kịp xu hướng thị trường nên rất tích cực trong tiếp thu, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất tại mô hình của gia đình.

Nhờ tích cực thực hiện các phong trào, chủ động học hỏi, ứng dụng mô hình hiệu quả mà năm qua toàn huyện có 12.814/16.208 hộ trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đạt 79,05% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Long Mỹ còn xây dựng Kế hoạch thoát nghèo giai đoạn 2018-2020 và đã hướng dẫn, chỉ đạo 8/8 Hội Nông dân cơ sở phối hợp với UBND các xã chọn 1 ấp để thực hiện và sau đó nhân rộng. Song song đó, còn phối hợp với các ngành liên quan tìm hướng hỗ trợ 909 hộ nghèo còn lại của hội làm mô hình, vươn lên phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>