Phường Lái Hiếu chuyển đổi cây trồng hiệu quả

28/03/2019 | 09:03 GMT+7

Phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, đang đẩy mạnh công tác vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Nhiều hộ dân ở phường Lái Hiếu có diện tích mía nhỏ đã mạnh dạn chuyển sang trồng rẫy.

Thực hiện theo chỉ đạo của Thị ủy Ngã Bảy và nhiệm vụ đột phá của Đảng bộ phường Lái Hiếu, trong quý I phường đã vận động người dân tại các khu vực 2, 4, 5 và 6, chuyển đổi 44ha cây trồng kém hiệu quả sang các cây ăn trái khác. Bên cạnh đó, phường còn phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã triển khai đề án chuyển đổi cây trồng mang hiệu quả kinh tế cao hơn như xoài, bưởi da xanh, qua vận động cũng có 16 hộ đăng ký chuyển đổi. Nhiều hộ cũng đã tự chuyển đổi diện tích vườn của mình, chọn trồng một số loại cây như bưởi da xanh, chanh không hạt, xoài…

Ông Đào Văn Dửng, ở khu vực 1, là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả. Tổng cộng hơn 14 công vườn của ông hiện nay trồng 240 gốc xoài xiêm núm. Ông Dửng cho hay giống xoài này do người bà con ở Vĩnh Long giới thiệu, ăn thấy ngon, ngọt không kém xoài cát nên mua giống và nhân ra trồng. Ban đầu, ông chỉ trồng 2 công thử nghiệm với 74 gốc, sau đó thấy có hiệu quả nên nhân rộng. Trong quá trình trồng, ông còn xen cam và các loại cây ngắn ngày như bắp để tạo thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Xoài xiêm núm tuy giá thu mua không cao như xoài cát Hòa Lộc nhưng khá ổn định, mùa nghịch thì trên 20.000 đồng/kg còn mùa thuận cũng từ 16.000 đồng/kg trở lên. Theo ước tính của ông Dửng, sau khi trừ chi phí thì vườn xoài cho lợi nhuận từ 120-150 triệu đồng/năm.

Một số hộ dân trong khu vực thấy mô hình chuyển đổi hiệu quả của ông Dửng cũng đã sang học hỏi để phát triển vườn cây của mình. Tuy nhiên, theo ông Dửng bước đầu cần sự kiên trì, học thêm kỹ thuật để chăm sóc cây và quan trọng là để vượt qua thời gian dài chờ xoài cho trái. Do đó, bà con nên trồng xen nhiều loại cây ngắn ngày để bán kiếm thêm tiền phân bón và chi phí khác trong gia đình.

Nhiều hộ có diện tích trồng mía nhỏ nhưng không mang lại lợi nhuận cũng đã tìm hướng phát triển riêng cho mình. Chị Nguyễn Hồng Cúc, ở khu vực 6, chỉ có 1 công đất trồng mía. Mấy năm qua thu nhập không là bao, sau thu hoạch vợ chồng chị trang trải không đủ tiền phân bón và nhân công, do đó gia đình mạnh dạn chuyển sang trồng dưa hấu. Trước đó, chị Cúc đã mướn một phần diện tích đất lân cận trồng được 3 vụ dưa, thấy hiệu quả nên tiếp tục áp dụng cho phần đất nhà. Chị Cúc kể: “Vụ tết vừa qua năng suất 1 công dưa hấu của tôi khoảng 4 tấn, lại bán được giá 7.500 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí gia đình còn lãi hơn 10 triệu đồng”. Dưa hấu đã giúp cho gia đình chị Cúc cải thiện thu nhập, đời sống cũng từng ngày khấm khá hơn. 

Không chỉ trồng dưa, mà người dân còn linh hoạt trồng 2 vụ dưa và 1 vụ rau màu khác như bí đao, dưa leo ở khu vực đất thấp, dễ bị ngập úng vào mùa mưa. Hiện nay, diện tích chuyển đổi sang trồng dưa hấu ở phường Lái Hiếu là 30ha, tập trung ở khu vực 5 và 6.

Đối với diện tích mía kém hiệu quả đã có 10 hộ đăng ký chuyển đổi với 6,5ha. Mục tiêu chuyển đổi được 20ha đất mía trong năm 2019 ở địa phương sẽ gặp một số trở ngại, bởi diện tích còn lại chủ yếu nằm trong vùng đất thấp, canh tác mía lâu năm nên cần cải tạo đất trước khi trồng các loại khác. Mặt khác, người dân đã trồng mía trong thời gian dài nên có gặp khó khăn khi chuyển sang loại cây mới, nhất là về kỹ thuật. Ông Cao Chí Cần, Chủ tịch UBND phường Lái Hiếu, cho biết: Sắp tới, phường sẽ tiếp tục tuyên truyền và vận động cũng như lồng ghép những nội dung này trong các buổi sinh hoạt hội, đoàn thể, khuyến khích bà con học hỏi kinh nghiệm từ những hộ có mô hình chuyển đổi thành công tại địa phương. Đồng thời, đối với hộ dân đồng ý chuyển đổi, cán bộ kỹ thuật sẽ tăng cường hỗ trợ trong quá trình chuẩn bị trồng và chăm sóc để mô hình mang lại hiệu quả.

Bài, ảnh: THIÊN TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>