Quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

16/10/2023 | 18:04 GMT+7

Xã Tân Hòa (huyện Châu Thành A) đang nỗ lực nâng cao chất lượng xã nông thôn mới (NTM) đã được công nhận, từng bước xây dựng hoàn thiện các tiêu chí xã NTM nâng cao.

Xã nông thôn mới Tân Hòa đã có nhiều đổi thay tích cực, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

Năm 2019, xã Tân Hòa được công nhận đạt chuẩn NTM, đó là nền tảng quan trọng để xã hoạch định các kế hoạch phát triển mới. Hiện xã được công nhận 7/19 tiêu chí NTM nâng cao, 7 tiêu chí đã gửi hồ sơ đề nghị công nhận, 5 tiêu chí xã đang củng cố hồ sơ. Một số tiêu chí đạt cao, như tiêu chí số 2 về giao thông; tiêu chí số 4 về điện, tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tiêu chí số 18 về chất lượng môi trường sống…

Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 59,77 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2023 là 69,621 triệu đồng. Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả được chú trọng. Ông Tô Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Địa phương sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất có thu nhập cao trên địa bàn. Tiếp tục vận động Nhân dân tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất nhằm tăng tỷ lệ giá trị hàng hóa nông nghiệp chủ lực sản xuất, kinh doanh có liên kết với doanh nghiệp. Tuyên truyền vận động nông dân đăng ký mã số vùng trồng nhằm để truy xuất nguồn gốc, sản phẩm OCOP hiện có”.

Xã có 3 mô hình sản xuất hiệu quả cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng, là mô hình trồng sầu riêng của 3 cá nhân, ông Nguyễn Văn Líp tại ấp 4A diện tích 0,9ha cho thu nhập 278 triệu đồng/ha/năm; ông Võ Văn Danh tại ấp 2B với diện tích 0,5ha cho thu nhập 240 triệu đồng/ha/năm; ông Phan Văn Dương tại ấp 4A với diện tích 0,65ha cho thu nhập 208 triệu đồng/ha/năm. Có 6 mô hình lợi nhuận từ 101-150 triệu đồng: Mô hình nuôi dê lấy sữa của ông Nguyễn Văn Đua tại ấp 2B cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi heo của bà Lê Thị Xem tại ấp 2A cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng xoài và chanh của ông Phạm Hùng Bình tại ấp 4B cho thu nhập 105 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng sầu riêng và xoài của ông Nguyễn Văn Nghệ tại ấp 6B cho thu nhập 114 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng xoài và vú sữa của ông Trần Văn Thật tại ấp 6B cho thu nhập 125 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng xoài và khổ qua của ông Nguyễn Văn Bé Chính tại ấp 1B cho thu nhập 125 triệu đồng/ha/năm. 36 mô hình hiệu quả cho lợi nhuận từ 50-100 triệu đồng/ha/năm ở các ấp 1A, 2A, 1B, 4B.

Chia sẻ về điểm nổi bật trong phát triển mô hình của ấp, ông Đặng Văn Xệ, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 6B, Tổ phó điều hành Tổ hợp tác nông dân giúp nhau làm kinh tế có thu nhập cao, chia sẻ: “Tổ hợp tác của ấp là nơi gặp gỡ hàng ngày, định kỳ hàng tháng của các thành viên cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng, chống dịch bệnh giúp nâng chất lượng sản phẩm, thống nhất giá bán và đầu mối tiêu thụ sản phẩm”.

100% sản phẩm OCOP của xã được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử: Sữa dê sấy thăng hoa, yaout sữa dê, sữa dê thanh trùng, sữa chua dê và mít sấy thăng hoa, sữa chua dê và sầu riêng sấy thăng hoa, cà phê dừa Hồng Nhiên. Hiện có 3 đơn vị ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã: OCOP sữa dê Ngọc Đào, xoài cát hộ ông Võ Văn Bình, Tổ hợp tác xoài ấp 1A. 

Bên cạnh tập trung thực hiện các tiêu chí còn thiếu, xã còn tranh thủ tối đa sự đầu tư từ trên để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động sức dân để thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi. Đơn cử là lộ giao thông nông thôn tuyến kênh 4000 ở ấp 6B, trước đây nhỏ hẹp, xuống cấp, giờ đã được nâng cấp, mở rộng, ôtô con có thể ra vào thuận lợi. Ông Trần Văn Dệt, ở ấp 6B, chia sẻ: “Tôi nhớ hồi xưa muốn ra tỉnh phải đi mấy tiếng đồng hồ vì đường đi khó khăn, ngăn sông cách trở. Giờ có việc gì ngoài tỉnh chạy xe máy vài chục phút là tới nơi, đường rộng, đèn sáng”.

Ông Tô Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã, cho biết thêm: “Bên cạnh vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, xã tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn và nguồn lực xã hội hóa để thực hiện triển khai bê tông hóa đường giao thông nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo quê hương, hướng tới NTM nâng cao”.

Bài, ảnh: TUỆ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>