Tìm cách gỡ khó cho người dân ở Lung Ngọc Hoàng

24/04/2019 | 07:58 GMT+7

Do việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không đúng với mục đích sử dụng đất và nằm trong vùng “nhạy cảm” của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Khu bảo tồn) nên ngành chức năng tỉnh, chính quyền địa phương đang quan tâm việc người dân khai thác sản phẩm của mình bán cho thương lái đem đi tiêu thụ.

Việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang trồng cây lâm nghiệp của người dân đang được Khu bảo tồn giám sát chặt từ khi trồng đến khai thác.

Theo báo cáo của lãnh đạo Khu bảo tồn, hiện có 81 hộ dân sống ở khu dịch vụ hành chính, thuộc Khu bảo tồn đã chuyển từ đất sản xuất nông nghiệp sang canh tác cây lâm nghiệp với diện tích gần 55ha. Loại cây lâm nghiệp mà bà con đang trồng là tràm Úc, keo và bạch đàn. Vào thời điểm này, một số diện tích trồng trước đã bắt đầu khai thác và tiếp tục chuẩn bị thu hoạch nên đặt ra nhiều lo ngại cho ngành chức năng và Khu bảo tồn. Bởi diện tích đất bà con trồng và khai thác cây lâm nghiệp thuộc đất Khu bảo tồn quản lý nên dễ gây hiểu lầm trong dư luận xã hội khi bà con bán cho thương lái đem đi tiêu thụ.

Chuyển đổi vì cuộc sống

Lý giải nguyên nhân vấn đề, ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn, cho biết: Trước khi thành lập Khu bảo tồn thì tiền thân của Khu bảo tồn là Lâm trường Phương Ninh đã ký hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp cho người dân sản xuất lúa, mía với tổng diện tích 677,15ha/611 hộ; trong đó, đất trồng lúa là 467,86ha/382 hộ và đất trồng mía là 209,29ha/229 hộ. Đến năm 2010, do việc canh tác lúa, mía không mang lại hiệu quả kinh tế nên một vài hộ đã tự ý chuyển đổi từ lúa, mía sang trồng cây lâm nghiệp và số hộ chuyển đổi này cứ tăng dần qua các năm.

Để hiểu rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã gặp một số hộ dân đang thực hiện việc chuyển đổi trên. Điển hình là ông Trần Văn Bảo, một trong những hộ đi đầu trong việc bỏ cây mía để chuyển sang trồng cây tràm Úc ở khoảnh 38, khu dịch vụ hành chính của Khu bảo tồn. Chia sẻ lý do của việc làm này, ông Bảo cho biết gia đình ông đã sống ở đây trên 30 năm, trong đó có hơn 20 năm trồng mía từ đất nhận khoán của Lâm trường Phương Ninh cũ. Những năm đầu trồng mía còn kiếm được đồng lời chút đỉnh, nhưng mấy năm gần đây do giá cả bấp bênh nên vụ nào bán mía xong cũng bị thua lỗ. Sau nhiều năm bán mía bị lỗ, gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần trên 200 triệu đồng. Nhận thấy không thể tiếp tục bám cây mía, năm 2016, gia đình ông quyết định trồng tràm Úc trên diện tích 6 công đất trong tổng số 3ha (kể cả mương liếp) được nhận khoán. Diện tích còn lại ông trồng chuối, dưới mương thả cá và trồng bông súng để lấy ngắn nuôi dài.

“Sau 3 năm trồng, năm rồi tôi bán lứa tràm đầu tiên cho nguồn thu nhập 100 triệu đồng. Từ hiệu quả này, sang năm nay tôi đã chuyển toàn bộ đất được nhận khoán sang trồng tràm. Biết là làm sai với hợp đồng nhận khoán nhưng vì cuộc sống quá cơ cực nên tôi và nhiều hộ dân nơi đây không còn cách nào khác hơn là phải chuyển sang trồng cây lâm nghiệp”, ông Bảo thông tin.

Tương tự, ông Lê Ngọc Điệp, cũng quyết định chuyển 3ha (ở khoảnh 37 của khu dịch vụ hành chính) từ trồng mía sang canh tác tràm Úc hơn 1 năm nay. Ông Điệp bộc bạch: “Khi nhận đất khoán từ Lâm trường Phương Ninh, gia đình tôi luôn thực hiện đúng theo thỏa thuận là trồng mía được hơn 30 năm. Thế nhưng, giống như nhiều bà con khác, do việc canh tác mía trong những năm gần đây luôn bị thua lỗ, đời sống vô cùng khó khăn. Riêng vụ mía năm 2017, gia đình tôi bị lỗ gần 30 triệu đồng sau khi bán mía. Do đó, khi thấy một số hộ chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp có hiệu quả thì tôi và hầu hết bà con nơi đây đã làm theo”.

Theo nhiều hộ dân, việc trồng cây lâm nghiệp chỉ tốn cây giống ban đầu, rất nhẹ công chăm sóc về sau, cũng như không cần canh giữ như cây ăn trái hay các loại rau màu khác và chi phí đầu tư 1ha tràm chỉ tốn khoảng 10 triệu đồng. Sau 3-4 năm trồng sẽ thu hoạch với mức thu nhập 180 triệu đồng/ha, trừ đi chi phí thì cũng còn lợi nhuận khoảng 55 triệu đồng/ha. “Với mức thu nhập khá hấp dẫn nên nhiều hộ tiến hành trồng tràm, sau đó đi kiếm việc khác làm để có thêm thu nhập. Đặc biệt là những người lớn tuổi như tôi, sức lao động hạn chế thì đây được xem là cách làm hiệu quả trong lúc này”, ông Lê Ngọc Điệp cho biết thêm.

Mong chủ trương chung của tỉnh

Theo lãnh đạo Khu bảo tồn, mặc dù vào năm 2005, một số hợp đồng giao khoán đất giữa Lâm trường Phương Ninh với hộ dân đã hết nên đơn vị không tiếp tục ký hợp đồng giao khoán với các hộ dân nhưng vẫn thu sản phẩm như trước đó cho đến nay. Lý do, theo quy định Luật Đất đai năm 2013 thì không còn hình thức giao khoán đất nông nghiệp; chỉ thực hiện giao khoán rừng, vườn cây và diện tích đất mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước. Từ quy định trên và do chưa có giải pháp tốt hơn nên Khu bảo tồn tiếp tục thực hiện theo hợp đồng giao khoán đất do Lâm trường Phương Ninh ký với hộ dân như trước đây. Mặt khác, khi biết người dân tự ý chuyển đổi từ đất sản xuất nông nghiệp sang trồng cây lâm nghiệp, lãnh đạo Khu bảo tồn đã có nhắc nhở, lập biên bản và yêu cầu người dân không nên chuyển vì thực hiện sai hợp đồng. Tuy nhiên, do cuộc sống người dân nên việc chuyển đổi là nhu cầu bức xúc. Ngoài ra, việc trồng cây lâm nghiệp trên đất rừng đặc dụng làm tăng diện tích rừng cũng là một cách làm hợp lý. Vì vậy, nhiều năm qua Khu bảo tồn không quyết liệt ngăn cản việc chuyển đổi này. 

Tuy nhiên, trước tình trạng ngày càng có nhiều hộ dân nhận đất khoán của Khu bảo tồn chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang trồng cây lâm nghiệp, đồng thời tránh dư luận xã hội không tốt khi người dân khai thác cây lâm nghiệp của mình trồng thì mới đây lãnh đạo Khu bảo tồn đã mời các sở, ngành có liên quan của tỉnh và chính quyền địa phương cùng ngồi lại để bàn bạc các biện pháp quản lý chặt chẽ diện tích rừng, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho các hộ dân đã trồng cây lâm nghiệp trên đất nhận khoán được khai thác tạo thu nhập cho cuộc sống. Qua thảo luận, các ngành liên quan đều thống nhất phải tìm biện pháp giải quyết việc người dân trồng cây lâm nghiệp trên đất rừng đặc dụng theo đúng các quy định hiện hành và đảm bảo lợi ích của người dân. Tuy nhiên, về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát liên quan đến vấn đề trên thì còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự nhất trí giữa sở, ngành tỉnh và chính quyền địa phương.

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn, cho biết thêm: Hiện đơn vị đã làm báo cáo tình hình gửi UBND tỉnh và đang chờ chủ trương chung của tỉnh. Nhưng trước mắt, Khu bảo tồn đã tiến hành rà soát cụ thể về số hộ, diện tích chuyển, loại cây trồng và năm trồng của từng trường hợp để có sự quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, để đảm bảo vấn đề an sinh xã hội cho người dân sống tại Khu bảo tồn thì đơn vị đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương để người dân trồng cây lâm nghiệp trên diện tích nhận khoán với Khu bảo tồn được khai thác khi đến tuổi. Bên cạnh đó, ngoài lập sổ theo dõi đối với từng hộ chuyển đổi thì Khu bảo tồn cũng kiến nghị UBND tỉnh phân công thêm các đơn vị có liên quan như: ngành kiểm lâm, chính quyền địa phương phối hợp với Khu bảo tồn trong công tác thống kê, kiểm tra, giám sát từ khi người dân trồng cây lâm nghiệp đến khai thác sản phẩm nhằm đảm bảo tính khách quan, tránh dư luận không đúng cho Khu bảo tồn…

Hiện nay, Khu bảo tồn có tổng diện tích là 2.805,37ha, trong đó đất lâm nghiệp là 1.660,9ha, gồm: đất có rừng 1.482,7ha và đất chưa có rừng là 178,2ha. Riêng đất sản xuất nông nghiệp có 708,459ha, gồm: đất trồng lúa 467,86ha và đất trồng mía 209,29ha. Tổng số hộ dân cư trú trong Khu bảo tồn là 947 hộ, trong đó có 545 hộ nằm trong đê bao và 402 hộ nằm ngoài đê bao.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>