Bất cập trong thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

11/10/2018 | 08:51 GMT+7

Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) có hiệu lực thi hành hơn 5 năm qua nhưng đến nay một số điều, khoản trong luật và văn bản hướng dẫn thực hiện chưa thống nhất, không sát thực tế, dẫn đến nhiều quy định thiếu khả thi.

Khó áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa quy định tại Nghị định 167/2013.

Đã được triển khai sâu rộng

Sau khi Luật XLVPHC có hiệu lực, UBND tỉnh tổ chức triển khai, quán triệt những nội dung cơ bản của luật, nghị định hướng dẫn thi hành luật cho tất cả đối tượng có thẩm quyền XLVPHC, đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện quản lý hành chính.

Hàng năm, UBND tỉnh còn giao cho Sở Tư pháp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác XLVPHC tại 8 huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Ngoài kiểm tra thường xuyên, UBND tỉnh cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành theo chuyên đề về XLVPHC; UBND cấp huyện và một số sở, ngành chủ động xây dựng kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về XLVPHC theo từng ngành, lĩnh vực quản lý.

Theo thống kê, 5 năm thực thi pháp luật về XLVPHC trên địa bàn tỉnh, trung bình mỗi năm có trên 22.000 vụ việc vi phạm hành chính bị xử lý, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực giao thông, xây dựng, đất đai, an toàn vệ sinh thực phẩm… Quá trình áp dụng pháp luật về XLVPHC cho thấy, số vụ việc vi phạm ngày càng có xu hướng tăng do sự phát triển của đời sống xã hội, do tăng trưởng kinh tế và việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng.

Nhiều bất cập phát sinh

Theo Sở Tư pháp, trong quá trình áp dụng các quy định trong Luật XLVPHC phát sinh nhiều vướng mắc.

Cơ quan chức năng ghi nhận hiện nay, đối với một số hành vi vi phạm hành chính, có tình trạng một hành vi sai phạm xuất hiện trong nhiều nghị định, mỗi nghị định lại quy định mức xử phạt khác nhau. Đơn cử, hành vi xả rác nơi công cộng được nhắc tới trong 2 văn bản.

Nghị định 46/2016 nêu rõ mức phạt tiền đối với người xả rác nơi công cộng là 300.000-400.000 đồng (Điều 12). Trong khi đó, Nghị định 155/2016 lại quy định người sai phạm nộp phạt 5-7 triệu đồng. Đáng nói, 2 nghị định trên đều có hiệu lực thi hành từ năm 2016.

Hay với hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định, Nghị định 167/2013 xác định mức phạt tiền là 100.000-300.000 đồng (Điều 7), còn tại Nghị định 155/2016 thì quy định mức phạt tiền 1-3 triệu đồng.

Không chỉ có mức phạt mà thẩm quyền xử phạt, quy trình xử lý trong nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật XLVPHC cũng chưa sát thực tế, chưa phù hợp với nhiều quy định pháp luật khác.

Như việc xử phạt đối với hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa được hướng dẫn thi hành trong Nghị định 167/2013. Nghị định này không quy định, đề cập, hoặc dẫn chiếu đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong hệ thống tòa án như chánh án, chủ tọa phiên tòa...

Quá trình thi hành luật tại nhiều địa phương còn cho thấy tình trạng tồn tại song song 2 nghị định đều quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, mặc dù vậy, thẩm quyền và quy trình xử lý sai phạm ở 2 nghị định hoàn toàn không giống nhau,…

Việc có những bất cập trong các quy định pháp luật là điều có không thể tránh khỏi, nhưng cũng cần sớm có những điều chỉnh cho phù hợp để giúp cơ quan chức năng thực thi pháp luật hiệu quả hơn.

 Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>