Để các quy định về xử phạt vi phạm đi vào cuộc sống

30/01/2019 | 09:52 GMT+7

Pháp luật đã quy định chế tài đối với nhiều hành vi gây tổn hại môi trường và văn minh đô thị, như xả rác, xả nước thải và khí thải chưa qua xử lý, hút thuốc lá nơi công cộng, đi vệ sinh không đúng nơi quy định... Tuy vậy, việc thực thi một số quy định này hình như chưa đầy đủ.

Theo quy định, việc treo, dán quảng cáo trên cột điện, đèn giao thông sẽ bị phạt đến 2 triệu đồng.

Hiện nay, tuy văn bản quy phạm pháp luật quy định chế tài các hành vi gây tổn hại môi trường và văn minh đô thị đã được ban hành nhiều, mức phạt hành chính cao nhưng việc thực thi, kiểm soát được đánh giá còn khá hạn chế.

Dễ thấy nhất là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các nghị định, quy định cấm quảng cáo tiếp thị thuốc lá, cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, vẫn khó đi vào cuộc sống. Tình trạng hút thuốc lá ở các nơi công cộng có chuyển biến nhưng không nhiều.

Thực tế cho thấy, tại các bệnh viện hay trung tâm y tế đông bệnh nhân, dù có bảng cấm hút thuốc lá nhưng không ít người vẫn ra ghế đá hoặc tìm góc khuất để hút. Khi bị phát hiện thì đa số được nhắc nhở nên người dân vẫn vi phạm. Còn ở khu vực bến xe, quán cà phê, người bán thuốc lá vẫn bán cho mọi người mua mà không cần biết có đủ 18 tuổi theo quy định pháp luật hay chưa.

Hiện nay, pháp luật nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, khoản 1, Điều 20 Nghị định 155/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng quy định hành vi vứt đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng quy định tại chung cư, khu thương mại - dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Nhưng thực tế, số vụ vi phạm mà cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý rất hiếm.

Nghị định 155/2016 cũng quy định phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định tại chung cư, khu thương mại - dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi xả rác sinh hoạt không đúng nơi; phạt tiền 5-7 triệu đồng đối với hành vi xả rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, cống rãnh khu vực đô thị. Thế nhưng, hầu như không đủ sức răn đe.

Hoặc tại Nghị định 28/2017 quy định hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, giao thông, xã hội bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-500.000 đồng. Hay phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. Dù vậy, tại các điểm giao thông ở thành phố Vị Thanh vẫn có nhiều người thường xuyên vi phạm. Công khai như vậy nhưng lực lượng chức năng khó hoặc hầu như không xử phạt.

Có thể thấy, tình trạng nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các ngành, địa phương ban hành chậm đi vào cuộc sống, thực thi, kiểm soát chưa nghiêm không chỉ làm suy giảm hiệu lực pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ người dân.

Sự hạn chế này có từ nhiều nguyên nhân, song yếu tố chất lượng văn bản pháp quy và công tác tổ chức thực thi, kiểm soát cũng như tuyên truyền, vận động hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều quy định có cũng như… không.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và quy trình xây dựng dự thảo văn bản qua các bước rất chặt chẽ, từ lấy ý kiến, thẩm định, xem xét thông qua. Thực hiện đúng quy trình đó, chất lượng văn bản pháp luật có chất lượng, tính khả thi cao, sẽ dễ áp dụng, sớm đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp văn bản quy phạm pháp luật quy định chung chung, thiếu thực tế, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, cách làm khác nhau hoặc không khả thi.

Một vướng mắc lớn là lực lượng giám sát, kiểm tra xử lý vi phạm một số lĩnh vực chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, làm hạn chế hiệu lực văn bản. Hiện nay, cùng với lực lượng công an, các ban, ngành còn có lực lượng thanh tra chuyên ngành giao thông, xây dựng, trật tự đô thị… Đó là lực lượng thực thi công vụ, giám sát việc chấp hành pháp luật ở từng lĩnh vực trong quản lý đô thị, môi trường. Tuy đông nhưng sự phối hợp giữa các lực lượng còn hạn chế?

Do vậy, để giữ gìn môi trường và xây dựng đô thị văn minh, cùng với việc tạo chuyển biến trong ý thức chấp hành pháp luật, hành vi, lối sống của người dân, rất cần những quy định chặt chẽ hơn trong kiểm soát, xử phạt đối với tất cả hành vi vi phạm một cách triệt để, thực tế và có phân công rõ ràng hơn. Như vậy, mới đảm bảo các chế tài pháp luật được đi vào cuộc sống.

    Đ.BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>