Hiểu về chế định thừa phát lại

08/08/2018 | 09:30 GMT+7

Thừa phát lại được triển khai thí điểm tại một số địa phương và chế định này vẫn còn khá mới.

Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Hạnh (đứng) chia sẻ về việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại Hội nghị giao ban công tác tư pháp do Bộ Tư pháp tổ chức.

Thừa phát lại là gì ?

Nghị định 61/2009 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013 của Chính phủ, quy định về chức danh thừa phát lại: Là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm một số công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chế định thừa phát lại ở Việt Nam tồn tại trong suốt thời kỳ Pháp thuộc và thời gian đầu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa mới giành được chính quyền (cho đến ngày 22-5-1950, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về “Cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng”). Ở miền Nam, chế định thừa phát lại tiếp tục tồn tại đến năm 1975.

Đến nay, thực hiện chủ trương của Đảng, tại Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Quốc hội khóa 12 ban hành Nghị quyết số 24/2008 cho thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 23-11-2012, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Nghị quyết số 36/2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Và đến ngày 25-11-2015 thì thông qua Nghị quyết số 107/2015, chính thức cho thực hiện chế định thừa phát lại trong phạm vi toàn quốc kể từ ngày 1-1-2016.

Song song với các nghị quyết của Quốc hội, Nghị định số 61 ra đời quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, qua đó xác định văn phòng thừa phát lại là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh có chức năng thi hành án dân sự; xác minh điều kiện thi hành án; lập vi bằng và tống đạt văn bản, giấy tờ của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự.

Như vậy, thừa phát lại là một chức danh bổ trợ tư pháp, giống tên gọi của một số chức danh tư pháp khác như: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên… Một mặt thừa phát lại không phải là công chức, không phải người đại diện cho nhà nước, nhưng mặt khác, thừa phát lại được nhà nước tuyển chọn theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và bổ nhiệm để làm một số công việc thuộc thẩm quyền của Nhà nước.

Chức năng của thừa phát lại

Tổ chức thừa phát lại thực hiện 4 chức năng chính, bao gồm: Thi hành án dân sự; xác minh điều kiện thi hành án; lập vi bằng và tống đạt văn bản, giấy tờ của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự.

Trong đó, công việc thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án dân sự được quy định cho thừa phát lại giống như cơ quan thi hành án dân sự tư nhân. Điều này có nghĩa nếu đương sự được tòa xử thắng kiện, nhưng bên thua kiện không chấp hành thì theo quy định, đương sự có thể yêu cầu cơ quan thi hành án của Nhà nước thực hiện bản án. Nhưng theo Nghị định số 61/2009, đương sự có thêm lựa chọn là nhờ Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án theo yêu cầu, thay cho cơ quan thi hành án dân sự. Dĩ nhiên, cơ quan này phải tuân theo quy định của pháp luật.

Tiếp đến là vấn đề xác minh điều kiện thi hành án. Theo quy định, người được thi hành án có quyền tự mình xác minh điều kiện thi hành án, tuy nhiên, trong thực tế, không phải công dân nào cũng có đủ trình độ pháp luật để thực hiện việc này. Vì thế, việc nhờ đến một tổ chức chuyên nghiệp như thừa phát lại sẽ đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.

Chức năng lập vi bằng cũng được xem là một trong những chức năng quan trọng nhất của thừa phát lại, bởi vi bằng được hiểu là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý về sau.

Vi bằng có rất nhiều hình thức, chẳng hạn như vi bằng về đặt cọc; ghi nhận hiện trạng; giao nhận tiền, tài sản trong các giao dịch; thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng; ghi nhận các bên ký tên vào văn bản cam kết, thỏa thuận, tờ xác nhận, trình bày lời khai; ghi nhận việc từ chối công việc của cá nhân, tổ chức mà theo quy định của pháp luật cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện… Như thế, bằng cách này hay cách khác, việc được lập vi bằng sẽ tạo điều kiện cho các giao dịch minh bạch và khó “đổi trắng thay đen” trước pháp luật.

Và cuối cùng, thừa phát lại có chức năng tống đạt các văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự. Điều này có nghĩa là thông báo, giao nhận các văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự theo quy định pháp luật cho đương sự. Đây là cách để đương sự không thể nói “tôi không biết”, “tôi chưa nhận được văn bản”… hoặc viện dẫn các quy định trong luật tố tụng để trốn tránh nghĩa vụ của mình.

ĐÌNH BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>