Nhiều quy định mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2018

05/01/2018 | 07:48 GMT+7

Tại Kỳ họp thứ hai, thứ ba Quốc hội khóa XIV đã thông qua nhiều văn bản luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, trong đó nhiều luật có nội dung quan trọng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Quang cảnh buổi triển khai văn bản luật.

Mở rộng chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Cụ thể hóa Hiến pháp Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định, mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Đối với người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Quy định này thể hiện tính nhân văn trong chính sách của Nhà nước Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho những người bị hạn chế quyền công dân.

Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi. Quy định này thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người.

Để phản ánh rõ hơn phạm vi điều chỉnh của luật cũng như thể hiện cơ bản nhất chính sách của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, luật đã bổ sung một chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo với 4 điều quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhiều điểm mới thuận lợi cho phát triển   

Luật Quản lý ngoại thương đã quy định các nguyên tắc chủ yếu như: Nhà nước quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo đảm minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu gắn với quản lý nhập khẩu.

Điểm mới của luật là quy định chỉ áp dụng một lần các biện pháp quản lý ngoại thương đối với khu hải quan riêng. Quy định này giúp giảm thiểu thủ tục hành chính cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong các khu vực hải quan riêng; đồng thời tận dụng được lợi thế của các khu này, nhất là các khu kinh tế cửa khẩu hoặc khu kinh tế biển nơi có cửa khẩu, cảng biển thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Luật cũng quy định nguyên tắc tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, quản lý rủi ro trong thực hiện các biện pháp và kiểm tra chuyên ngành; phân định rõ các nhóm hàng hóa với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch cụ thể, đảm bảo mức độ phù hợp, hài hòa giữa quản lý nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Quy định một số chính sách đặc thù trong phát triển ngoại thương đối với sản phẩm có lợi thế cạnh tranh mà trong nước sản xuất được cũng như các sản phẩm công nghệ và nguyên liệu đầu vào cần thiết phục vụ sản xuất trong nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, các vùng có điều kiện địa lý - kinh tế khó khăn tham gia hoạt động ngoại thương.

Quy định hoàn toàn mới của luật là nêu rõ trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc xây dựng phương án giải quyết tranh chấp quốc tế trong cả hai trường hợp, bao gồm việc Việt Nam bảo vệ lợi ích của mình khi bị các nước khởi kiện và việc Việt Nam chủ động khởi kiện các nước khi họ vi phạm những nghĩa vụ, cam kết gây xâm hại đến lợi ích của Việt Nam.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ

Điều 17 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và chưa chào bán chứng khoán ra công chúng được hỗ trợ như sau:

Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới.

Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng.

Hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.

Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Việc cấp bù lãi suất được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Điều 18 cũng hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được giảm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp...

PHI YẾN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>