Những người giữ bình yên xóm ấp

02/06/2017 | 08:42 GMT+7

Mỗi khi có gia đình, hàng xóm láng giềng nào trong ấp xảy ra cự cãi, xích mích là người dân trong ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, lại thấy bóng dáng các thành viên trong tổ hòa giải đến từng nhà để gặp gỡ, tâm tình. Với họ, công việc tuy vất vả, phụ cấp không đáng là bao, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, họ vẫn âm thầm mang công sức, tâm huyết của mình để gắn chặt tình làng nghĩa xóm.

Thành viên tổ hòa giải ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, trao đổi kinh nghiệm về một vụ việc vừa hòa giải thành.

Hơn 8 năm làm Trưởng ấp là cũng chừng ấy năm tham gia vào tổ hòa giải ấp Xẻo Vông C và bà Phạm Ngọc Hương không nhớ mình đã tham gia hòa giải bao nhiêu vụ việc giúp nhiều gia đình hàn gắn vết thương lòng. Với bà Hương, mỗi khi các bên ký vào biên bản hòa giải thành, gia đình được đoàn tụ, cuộc sống trở lại bình thường thì đó là niềm hạnh phúc của bà và những thành viên trong tổ hòa giải.

Còn nhớ cuối năm 2015, gia đình anh Cường và anh Lâm là hai anh em ruột xảy ra tranh chấp đất đai. Trước đó, do hoàn cảnh khó khăn nên anh Cường phải bán phần đất được mẹ cho để… tha phương cầu thực. Sau một thời gian anh trở về, do không có đất ở nên anh Cường nhờ mẹ xin lại một phần đất nhỏ của anh Lâm để cất nhà tạm nhưng anh Lâm nhất quyết không cho.

Bà Ba, má của anh Cường và anh Lâm thì một mực xin người con trai: “Nếu con không cho em ở thì má sẽ chết”; anh Lâm thì nhất quyết: “Thà con để má chết chứ một tấc đất con cũng không chia”.

Trước sự việc đó, với vai trò là Tổ trưởng Tổ hòa giải, bà Hương triệu tập thành viên tổ hòa giải ấp nhanh chóng đến gia đình này để tìm hiểu căn nguyên vấn đề giữa hai anh em. Sau khi bàn bạc, thảo luận, tổ hòa giải đến gặp từng người để khuyên giải. Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác hòa giải, bằng những kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải, thuyết phục, bà Hương và các hòa giải viên đã giúp anh Cường và anh Lâm hiểu ra vấn đề...

Hơn 3 năm nay, 90% đơn tranh chấp tại ấp được hòa giải thành, trong ấp không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự. Để đạt được kết quả đó có sự đóng góp không chỉ của bà Hương, mà còn có ông Bùi Ngọc Song, Bí thư Chi bộ ấp, cũng là thành viên tích cực tổ hòa giải.

Mặc dù tuổi đã ngoài 60 nhưng ông Song vẫn rất tinh tường, nhanh nhẹn. Đối với các hộ dân ở ấp này, ông Song như một người thân trong gia đình. Bất cứ hộ nào có chuyện vui buồn ông đều có mặt để chia sẻ.

Cũng như bà Hương, ông không nhớ hết số vụ mình đã tham gia hòa giải, giúp bao nhiêu gia đình được đoàn tụ sau những ngày… sóng gió. Nhưng với ông, cảm giác vui mừng, hạnh phúc nhất là mỗi khi nhìn thấy bà con xóm giềng sau bao ngày xích mích lại tối lửa tắt đèn có nhau.

Ông Song nhớ lại một vụ việc tham gia hòa giải vào năm 2016. Ngày đó, vì ghen tuông mà nhiều lần anh Hiền đánh đuổi chị Giang - vợ anh một cách vô cớ. Dù nhiều thành viên trong tổ hòa giải, anh em họ hàng từng khuyên can nhưng anh Hiền vẫn chứng nào tật nấy. Không thể chịu đựng được tính ghen tuông vô cớ của chồng, chị Giang làm đơn xin ly hôn.

Trước sự việc trên, ông Song cùng tổ hòa giải quyết tâm đến khuyên giải lần cuối. Nghe ông Song là người cao tuổi, có uy tín phân tích trước sau, cuối cùng anh Hiền và chị Giang hiểu ra vấn đề, rồi hòa thuận, cùng chí thú làm ăn.

Trao đổi về kinh nghiệm trong gần 20 năm làm công tác hòa giải, ông Bùi Ngọc Song cho biết: “Để hòa giải thành không phải vụ việc nào cũng đưa pháp luật ra giải quyết, mà cần vận dụng linh hoạt giữa cái lý và cái tình nhằm tìm ra phương án hài hòa, thấu tình đạt lý nhất”.

Với quan niệm: Không nể nang, né tránh, làm việc công tâm, có trách nhiệm, hơn 3 năm qua, số vụ việc phải chuyển lên xã rất ít.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng với tinh thần trách nhiệm, ông Song, bà Hương và các hòa giải viên luôn miệt mài nghiên cứu, xem thêm các quy định của luật, nhất là những văn bản luật mới ban hành để trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức. Sau mỗi vụ việc hòa giải thành, ông, bà và các hòa giải viên trong tổ lại cùng nhau họp để rút kinh nghiệm.

Nói về những thành viên trong tổ hòa giải ấp Xẻo Vông C, anh Đàm Hữu Hùng, cán bộ tư pháp xã Hiệp Lợi, không khỏi tự hào khi địa phương có những hòa giải viên tâm huyết như bà Hương, ông Song. Anh Hùng cho biết: Những người như chị Hương, chú Song đã truyền lửa đến với cộng đồng, họ làm việc không vì thù lao, lợi ích cá nhân mà chỉ với lòng nhiệt huyết giúp xóm giềng gắn kết, thuận hòa. Với nhiều người, tưởng chừng họ như những người đi lo chuyện bao đồng, nhưng với những ai thấu hiểu được ý nghĩa của công việc này thì họ chính là những người giữ lửa, đem lại bình yên cho xóm ấp.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>