Nợ tiền công xây dựng trụ sở tòa án: Trách nhiệm thuộc về nhà thầu

09/11/2017 | 06:53 GMT+7

Một số người lao động thuộc Doanh nghiệp tư nhân Oanh Cường xây dựng một phần công trình trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh yêu cầu được nhận tiền công lao động do nhà thầu chưa chi trả hơn 2 năm nay. Nguyên nhân do đâu ?

Ông Trần Minh Hiếu đại diện cho công nhân trình bày yêu cầu tại Tòa án nhân dân tỉnh.

Ông Trần Minh Hiếu, đại diện Tổ xây tô công trình, cho biết: “Tôi là người làm công cho Doanh nghiệp tư nhân Oanh Cường. Tổ của tôi đã thực hiện xong công việc và công trình được đưa vào sử dụng từ năm 2015 nhưng đến nay tiền công của anh em chưa được trả, trước đó anh em đã nhiều lần đình công. Hiện nay, ông Cường còn nợ trên 100 triệu đồng, tôi phải thế chấp bằng khoán, vay mượn nợ để trả tiền cho công nhân. Nay tôi yêu cầu sớm nhận được tiền”.

Còn bà Nguyễn Thị Nga, đại diện cho công nhân làm công nhật, cũng yêu cầu sớm chi trả tiền mà ông Cường nợ công nhân.

Khi phóng viên hỏi về hợp đồng lao động thì bà Nga nói: “Vì chị em chúng tôi làm cho ông Cường nhiều năm, những lần trước ông đều trả đủ nhưng lần này thì không. Vì chị em làm công lấy tiền sinh sống hàng ngày, không được trả tiền kịp thời, do quá bức xúc nên vừa qua một số người có đến căng băng rôn yêu cầu trả nợ lương, mục đích là nhờ lãnh đạo tòa án có biện pháp giúp đỡ”.

Qua tìm hiểu được biết, năm 2011, Tòa án nhân dân tỉnh triển khai thực hiện dự án xây dựng trụ sở làm việc, đơn vị trúng thầu là Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Công ty TNHH Một thành viên chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 2-8-2013, nhà thầu chính là Tổng Công ty này ký hợp đồng giao khoán với Công ty TNHH Xây dựng thương mại 289, do Giám đốc Nguyễn Thùy Hương ký hợp đồng. Cũng trong tháng 8-2013, ông Nguyễn Mạnh Ninh lấy tư cách là Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại 289 ký hợp đồng dân sự giao khoán với Doanh nghiệp tư nhân Oanh Cường. Trong quá trình thi công đã xảy ra tranh chấp liên quan đến việc thanh toán tiền công cho người lao động giữa ông Ninh với Doanh nghiệp tư nhân Oanh Cường.

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh thì đơn vị (chủ đầu tư) không ký hợp đồng xây dựng với Doanh nghiệp tư nhân Oanh Cường. Thực tế, doanh nghiệp này ông Cường thuê lao động dẫn đến thiếu nợ tiền công. Chủ đầu tư không thể đứng ra trả tiền thay cho Doanh nghiệp tư nhân Oanh Cường. Việc ông Cường xảy ra tranh chấp với ông Nguyễn Mạnh Ninh đã họp bàn bạc rất nhiều lần nhưng không thành, vì ông Cường và ông Ninh không thống nhất được khối lượng và giá trị của hợp đồng. Vấn đề này, chủ đầu tư đã cùng ông Cường với nhà thầu thi công chính và ông Ninh để giải quyết tiền lương cho lao động. Thậm chí chủ đầu tư họp rất nhiều về việc ông Ninh phải thanh toán tiền công cho người lao động theo tuần, theo tháng nhưng việc thanh toán này diễn ra không được lâu thì ông Ninh không tiếp tục thanh toán cho người lao động cũng như cho ông Cường nên xảy ra thiếu nợ kéo dài.

Ông Kiều Văn Thọ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho rằng, do một bộ phận người lao động không thuộc tổ chức công đoàn nên cũng không thể đại diện được. Ở đây, chủ đầu tư không có thiếu nợ người lao động mà do ông Ninh và ông Cường thiếu. Liên đoàn Lao động chia sẻ khó khăn của người lao động, tuy nhiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động thì phải trên cơ sở quy định của pháp luật.

Vừa qua, ông Cường có đơn thưa ông Ninh thiếu tiền trên 800 triệu đồng, tuy nhiên, quá trình cơ quan chức năng điều tra ông Ninh thừa nhận nợ ông Cường 300 triệu đồng. Hiện nay, Công an tỉnh đang tiếp tục xác minh làm rõ để có hướng giải quyết.

Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, ông Phạm Hồng Phong, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, đưa ra biện pháp: “Trước hết, với vai trò chủ đầu tư, tôi rất băn khoăn, trăn trở tìm mọi giải pháp để giải quyết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động và những khoản nợ của những người liên quan đến công trình xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh. Sau khi xảy ra sự việc, chủ đầu tư mong muốn các bên bàn bạc cách giải quyết thấu đáo trên cơ sở các bên xác định khoản nợ tiền nhân công và các khoản nợ khác mà ông Nguyễn Mạnh Ninh còn thiếu, sau đó ủy quyền lại cho bên B trả nợ khi chủ đầu tư chuyển tiền cho bên B và khi được Tòa án nhân dân tối cao quyết toán công trình”.

Bài, ảnh: PHI YẾN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>