Phòng, chống tội phạm công nghệ cao: Người dân phải cảnh giác cao độ khi sử dụng điện thoại, mạng xã hội…

22/09/2020 | 05:23 GMT+7

Cùng với sự phát triển của mạng internet, công nghệ số, những năm gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm hoạt động xuyên quốc gia ngày càng có xu hướng gia tăng, với những thủ đoạn tinh vi. Do đó, các cơ quan chức năng tỉnh, đặc biệt là lực lượng công an đã tăng cường nhiều biện pháp đấu tranh, phòng chống với loại tội phạm này.

Đối tượng phạm tội lừa đảo qua mạng xã hội tại cơ quan công an.

Thủ đoạn đa dạng

Thiếu tá Nguyễn Thanh Sử, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh, cho biết: Qua công tác nắm địa bàn, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm có yếu tố nước ngoài những năm qua tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Các đối tượng sử dụng những phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi, phạm vi gây án không giới hạn, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, chiếm đoạt số tiền lớn và gây hậu quả nghiêm trọng.

Thống kê của Công an tỉnh cho thấy, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội, chiếm đoạt số tiền trên 1,3 tỉ đồng, trong đó có một số vụ lừa đảo tinh vi như vụ của Nguyễn Thị Ngọc Thy, Nguyễn Thành Ngữ, Nguyễn Đình Duy Tân,…

Tuy nhiên, con số trên chỉ mang tính tương đối bởi thực tế có không ít trường hợp người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản không trình báo với cơ quan công an hoặc tài sản bị lừa không lớn. Thủ đoạn của tội phạm tuy không mới nhưng do thiếu hiểu biết, một bộ phận người dân dễ mắc bẫy của các đối tượng.

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, hiện nay một thủ đoạn phạm tội phổ biến là các đối tượng sử dụng sim rác, điện thoại để giả danh cán bộ công an, kiểm sát, tòa án dọa dẫm, bắt người dân chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Một số đối tượng giả danh người nước ngoài, Việt kiều để làm quen với bị hại, hứa hẹn tặng quà, tặng tiền, sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền, lệ phí thì mới chuyển tiền, quà như đã hứa hẹn và chiếm đoạt số tiền trên.

Một thủ đoạn nữa cũng được các đối tượng sử dụng phổ biến trong thời gian qua là đặt mua hàng với số lượng, giá trị lớn của những bị hại sử dụng mạng xã hội bán hàng online và có sử dụng dịch vụ chuyển tiền internet banking, sau đó chúng gửi đường dẫn và hướng dẫn bị hại đăng nhập tài khoản Internet banking vào trang web giả mạo (được thiết kế sẵn) với giao diện gần giống với giao diện đăng nhập tài khoản của các ngân hàng thương mại, để từ đó xâm nhập vào tài khoản ngân hàng của bị hại.

Ngoài ra, một số đối tượng còn lợi dụng mạng internet để tổ chức các hoạt động đánh bạc online, hoặc sử dụng mạng internet tại Việt Nam để hoạt động tội phạm xuyên quốc gia…

Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân

Theo các cơ quan chức năng, tội phạm sử dụng mạng xã hội, internet và các hoạt động giao dịch trên không gian mạng để lừa đảo ngày càng tinh vi. Các đối tượng đã nhằm vào xu hướng hiện nay của người dân, phần lớn sử dụng thiết bị công nghệ trong giao dịch, mua bán và trao đổi hàng hóa, thông tin để lừa đảo. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn lợi dụng tâm lý hám lợi khi có người tặng quà, hứa hẹn “hợp tác làm ăn” của nhiều người để đưa họ vào kịch bản đã bày sẵn nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Sử cho biết thêm, trước các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, người dân cần nêu cao cảnh giác để phòng tránh sập bẫy kẻ xấu. Theo đó, người dân cần đặc biệt chú ý vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng; không chia sẻ các thông tin cá nhân như: tên, họ, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email, số tài khoản ngân hàng... Đây chính là những kẽ hở ban đầu để các đối tượng lợi dụng đưa người dân vào bẫy của chúng.

Đối với những người sử dụng các tài khoản mạng xã hội, không nên kết giao với người lạ, nhất là đối tượng là người nước ngoài khi chưa có mối quen biết. Đặc biệt, không cung cấp bất kỳ thông tin gì từ những số điện thoại lạ gọi đến mình. Bên cạnh đó, với việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng cũng cần phải chú ý trong việc đăng nhập, truy cập, nhập mã pin, mã OTP, số tài khoản... trên các trang web. Người dân cũng phải thận trọng khi nhập vào các đường link có nghi vấn từ người lạ gửi đến.

Theo trung tá Huỳnh Minh Thơ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, đã có rất nhiều người bị mắc lừa bởi tội phạm sử dụng công nghệ cao, do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi sử dụng điện thoại, mạng internet, tham gia mạng xã hội… cần cảnh giác cao độ với những số máy lạ, những người lạ, có dấu hiệu giả danh, lừa đảo, đe dọa. Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể và rõ ràng họ là ai. Mỗi người đều nâng cao cảnh giác, khi phát hiện đối tượng nghi vấn cần báo ngay cho lực lượng công an để kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Bài, ảnh: Đ.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>