Xử nặng hành vi phạm pháp trong thi cử

13/05/2019 | 07:51 GMT+7

Những năm gần đây, hành vi gian lận trong thi cử; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ về thi cử xảy ra nhiều nơi. Hành vi nguy hiểm cho xã hội này có chế tài rất nghiêm.

Nghiêm túc trong học tập, thi cử là góp phần tạo sự công bằng trong xã hội.

Làm lộ bí mật nhà nước     

Quyết định số 59 ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật trong ngành giáo dục và đào tạo gồm các tin, tài liệu thuộc phạm vi sau:

“Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án, thang điểm bài thi, địa điểm ra đề thi, địa điểm sao in đề thi và các tài liệu liên quan đến các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thi chọn học sinh giỏi các cấp, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố...”.

Khoản 5, Điều 1, Thông tư 11 của Bộ Công an ngày 23/3/2017 Quy định Danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành giáo dục và đào tạo gồm các tin, tài liệu trong phạm vi sau:

“Phương án sắp xếp thí sinh trong phòng thi, mã số phách bài thi và các tài liệu liên quan kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thi chọn học sinh giỏi các cấp, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố”.

Hành vi vô ý hoặc cố ý để lộ thông tin bí mật quốc gia sẽ bị xem xét xử lý bằng chế tài hình sự. Theo đó, Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015 - Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước, quy định: Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 15 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ

Liên quan đến những sai phạm trong vụ gian lận điểm thi ở tỉnh Sơn La, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố nhiều bị can liên quan về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ (Điều 356).

Đây là tội danh thuộc nhóm tội các tội phạm tham nhũng. Hành vi của các cá nhân liên quan là đã cấu kết có hành vi sửa bài thi trắc nghiệm và nâng điểm bài thi tự luận cho nhiều thí sinh…

Người có chức vụ, quyền hạn mà thực hiện một trong các hành vi trên có thể bị phạt tiền, phạt tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Chủ thể của tội này là chủ đặc biệt, tức là ngoài việc có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định thì phải là người có chức vụ, quyền hạn. Tội phạm xảy ra xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước, lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Điều 356 Bộ luật Hình sự quy định tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, cụ thể, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội có tổ chức, 2 lần trở lên, gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng… thì bị phạt tù từ 5 - 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 - 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Làm lộ đề thi, gian lận trong thi cử từ lâu đã có chế tài nghiêm khắc; hành vi này khi xưa nặng nhất sẽ xử tội chết. Nghiêm túc trong thi cử, nghiêm khắc trong xử lý các hành vi phạm pháp trên sẽ góp phần tạo sự công bằng, giữ ổn định an ninh, trật tự xã hội…

T.THỨC tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>