Tuyên truyền song ngữ tạo sự đồng thuận cao

21/11/2023 | 10:13 GMT+7

Mô hình “Vận động người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer tuyên truyền song ngữ tiếng Việt - Khmer về chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước” năm 2023 được Ban Tuyên giáo Thành ủy Vị Thanh triển khai thực hiện; sau gần 1 năm, bước đầu mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Buổi sinh hoạt bằng hình thức tuyên truyền song ngữ cho đồng bào dân tộc Khmer tại ấp 7, xã Vị Tân.

Nội dung thiết thực

Ông Huỳnh Văn Hưởng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Vị Thanh, cho biết: “Triển khai thực hiện mô hình, chúng tôi đã chọn thực hiện thí điểm tại xã Hỏa Lựu và xã Vị Tân, đây là 2 địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Chúng tôi đã làm việc với đảng ủy các địa phương và lắp đặt 4 pano tuyên truyền trực quan được dịch ra 2 thứ tiếng Việt - tiếng Khmer tại Nhà Văn hóa ấp 7, xã Vị Tân và xã Hỏa Lựu; tăng cường các hoạt động tuyên truyền song ngữ trực tiếp trong đồng bào dân tộc”.

Sau thời gian triển khai hiệu quả, mô hình được nhân rộng thêm ra địa bàn phường IV.

Nội dung tuyên truyền được Ban Tuyên giáo Thành ủy chọn lọc, phối hợp với Phòng Tư pháp triển khai tập trung: Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới; Quyết định số 498 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”; các chính sách đối với đồng bào dân tộc, tuyên truyền chuyển đối số, xóa đói giảm nghèo…

Ông Lê Văn Đạt, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hỏa Lựu, nhắc lại: “Nếu như trước đây đa phần các hoạt động tuyên truyền trong Nhân dân đều bằng tiếng Việt thì hiện nay, ở các ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chúng tôi đã phối hợp vận động người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer kết hợp hình thức song ngữ để góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống chất lượng hơn. Nhất là khi địa phương đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí hướng đến xã nông thôn mới nâng cao”.

Còn anh Trương Trần Nghiệp, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Hỏa Lựu, thông tin thêm là trong tuyên truyền đã kết hợp đưa nội dung giáo dục giới tính, các quy định pháp luật, hôn nhân và gia đình, tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tăng cường hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đoàn, đội, câu lạc bộ, tổ, nhóm... trong trường học.

Đạt nhiều kết quả

Qua gần 1 năm thực hiện mô hình ở 3 đơn vị, có 12 cuộc tuyên truyền bằng hình thức song ngữ, với 734 lượt người tham dự.

Ông Phan Trường Giang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vị Tân, cho biết: “Sau khi tiếp nhận các chỉ thị, nghị quyết của Đảng… chúng tôi chọn lọc những nội dung cơ bản viết ra cụ thể bằng tiếng Việt, để người có uy tín thông thạo tiếng nói, chữ viết Khmer triển khai phổ biến song song bằng 2 thứ tiếng”.

Xã Vị Tân, chọn ấp 7 tổ chức triển khai thí điểm. Ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất trong tòan xã, với 113 hộ. Ông Ngụy Thành Lộc, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp 7, chia sẻ: “Áp dụng mô hình, tình trạng nhậu nhẹt, gây gổ đánh nhau, vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong đồng bào dân tộc Khmer giảm rất nhiều, ý thức người dân nâng lên rõ rệt. Người dân chí thú làm ăn, tăng gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.

Ấp 7 hiện còn 9 hộ nghèo (4 hộ dân tộc Khmer), phấn đấu cuối năm, giảm 2-3 hộ nghèo (1 hộ Khmer)

Bà Thị Thúy An, ở ấp 7, bộc bạch: “Cuối năm nay, gia đình tôi sẽ thoát nghèo. Kết quả này là nhờ chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ, tuyên truyền, hướng dẫn sinh kế để vợ chồng tôi tăng gia sản xuất. Có nhà cửa ổn định, cộng với tiệm tạp hóa buôn bán có lời, tôi đầu tư nhiều cho việc học của 2 con và tích cực hơn trong tham gia phong trào cùng với địa phương”. 

Còn ở xã Hỏa Lựu, địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với gần 480 hộ, sau khi thành lập mô hình “Phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số”, đến nay xã không còn xảy ra tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc, đời sống người dân ngày càng phát triển…

Đại đức Danh Thanh, trụ trì chùa Sasanarăngsây, khu vực 5, phường IV, đánh giá: “Đổi mới hình thức tuyên truyền bằng tiếng Khmer đã giúp các sư, sãi, phật tử đồng bào dân tộc tiếp cận nhanh, nắm rõ và đồng tâm chung tay, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội”.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Vị Thanh, để tiếp tục nhân rộng hiệu quả mô hình, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương để cách làm hay này nhân lên hiệu quả, tạo đồng thuận cao trong toàn dân thi đua xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>