Cần giải pháp phòng ngừa hữu hiệu tội phạm cố ý gây thương tích

06/12/2023 | 08:23 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã khởi tố 101 vụ/185 bị can về tội phạm cố ý gây thương tích, một số vụ việc xảy ra với tính chất côn đồ, phức tạp, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Đặc biệt, tại địa bàn huyện Vị Thủy, nổi lên gần đây là tình trạng tội phạm cố ý gây thương tích do các băng nhóm trong độ tuổi thanh thiếu niên thực hiện, với nhiều diễn biến phức tạp.

Một vụ án cố ý gây thương tích xét xử vào tháng 8-2023 trên địa bàn huyện Vị Thủy.

Để hiểu rõ hơn về thực tế và giải pháp phòng ngừa loại tội phạm này, phóng viên Báo Hậu Giang đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hữu Nam, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vị Thủy, ông Nam chia sẻ:

- Năm 2023, tình hình tội phạm cố ý gây thương tích mang tính băng nhóm trên địa bàn huyện Vị Thủy tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, Cơ quan điều tra Công an huyện Vị Thủy đã thụ lý 16 tin báo (tăng 4 tin so với năm 2022), qua đó đã khởi tố 8 vụ và 23 bị can.

 Điển hình như vụ do đối tượng Lý Thiên Tân (sinh năm 2005) cầm đầu, chỉ vì mâu thuẫn, thách thức nhau trên mạng xã hội facebook mà nhóm của Tân gồm 11 đối tượng đã hẹn nhau với nhóm 18 đối tượng do Nguyễn Văn Thành (sinh năm 2006) cầm đầu. Cả hai nhóm đã chuẩn bị rất nhiều hung khí nguy hiểm để chuẩn bị thanh toán nhau trước khi bị lực lượng công an phát hiện, xử lý. Qua điều tra, trong vụ việc này Viện KSND huyện Vị Thủy đã phê chuẩn khởi tố 15 đối tượng, còn 14 đối tượng do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên đã chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Theo ông, nguyên nhân chính của loại tội phạm này xuất phát từ đâu ?

- Kinh tế phát triển cũng đi kèm với những mặt trái, bởi nhiều gia đình do chỉ quan tâm kinh tế đã lựa chọn phương pháp quản lý, giáo dục chưa đúng. Một số gia đình sẵn sàng thỏa mãn và đáp ứng đầy đủ yêu cầu vật chất của con em mình khi các em ở độ tuổi chưa thành niên, đôi khi các yêu cầu này là chưa chính đáng, chưa phù hợp với lứa tuổi của các em hoặc điều kiện kinh tế của gia đình.

Tôi cho rằng, sự thiếu quan tâm của gia đình là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến việc để người chưa thành niên đi vào con đường phạm tội. Bởi qua thực tế, đa số các em trong độ tuổi chưa thành niên phạm tội có vấn đề về tâm lý; nhiều em chán nản, bỏ học, lêu lổng, đua đòi ăn chơi... mà gia đình hoàn toàn không hay biết.

Vậy vai trò của nhà trường và xã hội đối với loại tội phạm này như thế nào, thưa ông ?

- Hiện nay, công tác giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục ý thức pháp luật, kỹ năng sống và quản lý học sinh trong nhà trường còn nhiều hạn chế; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên trong việc quản lý, giáo dục, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các em có biểu hiện vi phạm pháp luật; một số nhà trường sợ ảnh hưởng đến thành tích nên không kịp thời báo cáo lực lượng chức năng để có biện pháp quản lý giáo dục.

Bên cạnh đó, một khía cạnh xã hội là môi trường trên không gian mạng có nội dung kích động bạo lực, chưa được sàng lọc, quản lý chặt chẽ. Nhiều phim ảnh, trào lưu xuất hiện trên các mạng xã hội kích động lối sống bạo lực, kích động hành xử xã hội theo kiểu “xã hội đen”, coi thường sinh mạng con người nhưng lại chưa được kiểm duyệt với độ tuổi người dùng.

Vậy theo ông, đâu là giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa loại tội phạm này ?

- Để có thể phòng ngừa đối với các nhóm tội phạm xâm phạm trật tự xã hội xảy ra trong độ tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt là với các tội như “cố ý gây thương tích”, “gây rối trật tự công cộng”,… Tôi cho rằng giải pháp đặt ra là phải tăng cường công tác nắm thông tin, từ khi mới bắt đầu mâu thuẫn nhỏ để có biện pháp can thiệp, ngăn chặn kịp thời, phòng ngừa ngay từ đầu. 

Bên cạnh đó, về phía gia đình phải có biện pháp quản lý, giám sát phù hợp đối với các em ở giai đoạn tuổi mới lớn, thích thể hiện bản thân. Đối với các nhà trường, các tổ chức đoàn thể cần thường xuyên quan tâm, giáo dục, dạy kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các vấn đề khi phát sinh mâu thuẫn. Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý xã hội, đặc biệt là quản lý trên không gian mạng.

Cuối cùng là về phía các cơ quan tiến hành tố tụng cần phối hợp điều tra, truy tố, xét xử nhanh, chọn một số vụ án để xét xử lưu động vừa mang tính răn đe tội phạm đồng thời phòng ngừa chung trong xã hội.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này !

Đ.BẢO thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>