Phải thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy

01/03/2024 | 09:06 GMT+7

Thực hiện Công văn của UBND tỉnh về tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh vừa tổ chức kiểm tra một số cơ sở thu mua phế liệu. Qua đó, kịp thời ghi nhận và hướng dẫn các cơ sở khắc phục hạn chế về công tác này.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra PCCC tại cơ sở phế liệu Đức Giác.

Cụ thể, Đoàn kiểm tra cơ sở phế liệu Đức Giác, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh; cơ sở thu mua phế liệu Đỗ Huyền Trang, ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp và cơ sở thu mua phế liệu Phương Nhung, ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp.

Các cơ sở còn một số hạn chế

Kiểm tra tại cơ sở phế liệu Đức Giác, đoàn ghi nhận, chủ cơ sở rất quan tâm các biện pháp PCCC, nên đã ban hành cụ thể nội quy về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; quy chế hoạt động của đội PCCC; tổ chức tuyên truyền nhiệm vụ này cho nhân viên; thành lập đội PCCC cơ sở với 5 đội viên, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng đội viên. Hàng năm, cơ sở đều lập phương án chữa cháy, có tổ chức xây dựng kế hoạch, thực tập và báo cáo kết quả thực tập phương án chữa cháy theo quy định.

Ngoài ra, cơ sở còn trang bị 13 bình chữa cháy, treo sổ kiểm tra trên cổ bình và để đúng theo sơ đồ bố trí, dễ thấy, dễ lấy; trang bị 2 xà beng, 2 búa tạ, 1 kiềm cộng lực và tiêu lệnh PCCC, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn. “Chúng tôi còn thường xuyên sắp xếp một người trực để xử lý cháy, nổ nếu xảy ra. Lực lượng PCCC cơ sở đều nắm và biết cách sử dụng phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ”, ông Nguyễn Đức Giác, chủ cơ sở cho biết.

Tương tự, cơ sở thu mua phế liệu Đỗ Huyền Trang cũng thực hiện khá tốt công tác PCCC. Theo đó, ngoài thực hiện các biện pháp về trang bị thiết bị, lập phương án chữa cháy, tổ chức thực tập, đơn vị còn bố trí các cửa của lối thoát nạn và cửa khác trên đường thoát nạn thông thoáng; không bố trí thiết bị, vật dụng, hàng hóa lấn chiếm lối ra vào. Đồng thời, lập hồ sơ quản lý, theo dõi công tác PCCC cơ sở.

Chưa kể, cơ sở thu mua phế liệu Đỗ Huyền Trang còn lắp đặt đầy đủ dây dẫn điện, thiết bị bảo vệ điện (cầu dao, attomat), thiết bị tiêu thụ điện, công suất tiêu thụ điện. “Các phế liệu mà tôi thu mua đều dễ cháy. Tất cả tài sản, vốn luyến đều đầu tư vào đây, nên phải chủ động thực hiện các biện pháp an toàn PCCC”, chủ cơ sở thu mua phế liệu Đỗ Huyền Trang giải thích.

Đoàn kiểm tra đánh giá, bên cạnh chủ động thực hiện tốt những biện pháp, các cơ sở còn một số hạn chế trong công tác PCCC. Đó là sử dụng lao động chưa được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ hoặc chứng nhận nghiệp vụ PCCC đã hết thời hạn; không niêm yết nội quy về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; không quản lý phương án chữa cháy theo quy định.

“Những trường hợp vi phạm, chúng tôi lập biên bản và xử lý theo quy định, yêu cầu cơ sở sớm khắc phục”, thượng tá Lê Hùng Ân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh, khẳng định.

Tăng cường kiểm tra cơ sở trọng điểm

Cũng theo thượng tá Lê Hùng Ân, hiện bước vào mùa nắng nóng, nên nguy cơ cháy, nổ tiềm ẩn nhiều nơi, chẳng hạn như chợ, khu dân cư, cơ sở sản xuất kinh doanh… Bởi nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu cơ sở kinh doanh, hộ gia đình và người dân đối với công tác PCCC chưa cao; công tác tuyên truyền, phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại một số địa bàn vẫn còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng cháy, nổ gây ra, tới đây, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao, nhất là chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cơ sở sản xuất, buôn bán mặt hàng dễ cháy, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện tốt công tác này.

Mặt khác, đơn vị sẽ chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn dân tích cực tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ; tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, khả năng sẵn sàng, ứng phó với các tỉnh huống cháy, nổ xảy ra của lực lượng PCCC cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác của các tầng lớp nhân dân trong công tác PCCC; nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy, nổ. “Riêng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ sẽ tăng cường quân số, đảm bảo thường trực, ứng trực 24/24 giờ tại đơn vị; sẵn sàng huy động lực lượng tham gia cứu chữa khi có cháy, nổ xảy ra”, thượng tá Lê Hùng Ân thông tin.

Khuyến cáo thêm, thượng tá Lê Hùng Ân cho rằng, để phòng ngừa cháy, nổ xảy ra, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, người đứng đầu cơ sở cần thực hiện nghiêm trách nhiệm PCCC, như tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vấn đề này trong cơ quan, doanh nghiệp; thành lập, duy trì hoạt động đội PCCC theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định để kịp thời khắc phục sơ hở, thiếu sót...

Người dân cần thường xuyên kiểm tra nguồn điện; không sử dụng quá nhiều thiết bị điện tiêu thụ điện năng lớn cùng một lúc. Đặc biệt, người dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức về PCCC để chủ động ứng phó khi xảy ra cháy, nổ. Đối với các hộ kinh doanh mặt hàng dễ cháy, phải bố trí hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện và cần có lối thoát hiểm, cũng như lắp đặt các thiết bị bảo vệ, ngắt điện tự động.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>