Mùi của tết quê...

01/02/2017 | 07:06 GMT+7

Có thể chúng ta không nhớ rõ ngày, tháng, nhưng chúng ta nhớ những khoảnh khắc. Chúng ta không nhớ hết những gì trong ký ức tuổi thơ, nhưng có những hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được, đó là mùi của tết…

Nhớ những ngày còn đi học, trên đường đạp xe về nhà, cái không khí lành lạnh của những ngày cuối đông, nhìn những sạp hàng đã trưng bày bán tết, cái nôn nao khó tả, giống như cái phản xạ tự nhiên, cứ tết đến là bao nhiêu hương vị được bày ra.

Dọc trên đường về nhà, cái mùi nồng của kiệu đang phơi trước sân, đủ kiểu, kiệu giấm hay kiệu đường đều có chung công thức là đem kiệu ra phơi nắng để làm dịu bớt cái vị nồng của nó. Nếu đi ngang qua xóm thợ mộc, sẽ có mùi vecni đánh bóng mấy cái tủ, bàn, ghế để chuẩn bị đón tết.

Tết, tôi nhớ mùi vị của má, bởi nó đã theo tôi từ khi còn trong bụng mẹ. Những ngày giáp tết, hai má con sẽ tính xem nên làm bánh gì, mứt gì và nấu gì để cúng ông bà. Rồi tranh thủ thời gian được nghỉ tết ngày nào là bắt tay vào làm. Tết hồi đó không nhiều bánh mứt; bây giờ, siêu thị, chợ và các gian hàng đều có để mua về. Nhớ nhất là mùi của trứng, nếu tết mà bạn không ngửi được mùi của trứng trong bánh bông lan, bánh bột đậu, bánh kẹp giòn là xem như chưa có tết quê… Tôi vẫn thích bánh kẹp giòn với trứng, dừa, bột gạo, công thức má học từ ngoại rồi truyền lại cho tôi, vừa ngon, giòn, thơm mùi của trứng và dừa, cộng thêm cái mùi khói bếp cay cay sống mũi.

Sau khi làm bánh, đến món mứt dừa, lần đầu tiên làm, mẻ đầu tiên thì biết rồi, khét, mứt dừa mà khét thì con nít lại khoái nhất, vì được ăn mà không cần đợi tết. Mùi vani và mùi dừa được sên mứt thơm, béo ngậy, ăn xong còn không quên liếm hai bàn tay. Mùi của chuối ngào đường, mùi của gừng non, của mè, của những thứ gia vị chỉ có thơm và ngọt là không thể thiếu cho ngày tết.

Ba mươi tết, má đi chợ sớm, chọn mấy miếng thịt ngon để kho nồi thịt kho tàu, cũng để gói bánh tét nhân đậu. Cái mùi vị của bánh tét nhân đậu, dù đi bao lâu, ăn ở đâu, vẫn không quên mùi vị từ bánh má tôi làm. Đậu sống, nhân thịt mỡ, vừa thơm, ngọt, béo, mùi của nếp hòa quyện với mùi của lá chuối sau nhà. Mùi của than tí tách, mùi của khói bếp cay cay, lá tỏa ra từ nồi bánh mà tôi từng canh lửa. Lâu rồi, cũng không biết là bao lâu, đã không còn tìm lại được với những hương vị ngày xưa. Giờ muốn ăn món thịt kho tàu do chính tay má nấu, muốn thưởng thức bánh tét má làm, và còn nhiều cái ước muốn đều không bao giờ có được.

Phút giao thừa, mùi của nhang trầm dành để đốt chờ thời khắc thiêng liêng. Giao thừa là phút giây mà ai cũng mang trong mình nhiều nỗi niềm, mong một giây phút bình yên, một năm may mắn.

 MINH TUẤN

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>