Người trẻ tâm huyết với múa lân

29/02/2024 | 07:35 GMT+7

Phong trào múa lân ở tỉnh đang dần phục hồi, có sự đóng góp không nhỏ từ những người trẻ tâm huyết.

Anh Chiêu hướng dẫn từng động tác cho các thành viên, giúp bài biểu diễn đẹp mắt, có sức hút.

Giữ lửa đam mê

Tầm 17 giờ mỗi ngày, các thành viên Đoàn lân sư rồng Chiêu Duy Đường, ở huyện Châu Thành A, lại hội quân tập luyện. Người đi học, người đi làm nhưng đều tranh thủ thời gian, mong muốn đem đến những buổi biểu diễn tốt nhất với các tiết mục đặc sắc, ấn tượng cho người xem.

Em Võ Anh Kiệt, thành viên Đoàn lân sư rồng Chiêu Duy Đường, cho biết: “Năm nay em học lớp 11 và biết đến múa lân gần 5 năm. Bây giờ em đã thực hiện được các bài biểu diễn, phụ hướng dẫn động tác cho những thành viên mới vào đội. Theo nghề múa lân vất vả lắm, nhất là việc chấn thương có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, khi đang thi đấu, biểu diễn hoặc tập luyện. Tuy nhiên, tụi em luôn giữ trạng thái tinh thần thoải mái, điều tiết bản thân để không làm gián đoạn nhịp độ của toàn bài”.

Thành lập năm 2017, Đoàn lân sư rồng Chiêu Duy Đường, do anh Nguyễn Huỳnh Chiêu, sinh năm 1998, ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, khởi xướng. Là nơi tập hợp đông đảo các thanh, thiếu niên có chung niềm đam mê, yêu thích múa lân sư rồng. Những ngày đầu chỉ có vài người tham gia, vượt qua những khó khăn từ điều kiện cơ sở vật chất, thiếu kinh phí hoạt động, nguồn nhân lực, đến nay, đoàn có hơn 30 thành viên, từ 13 đến 25 tuổi. Biểu diễn phục vụ nhiều tiết mục như lân lên mai hoa thung, lân leo cột, tứ lân, múa rồng… ở các sự kiện của địa phương, trong và ngoài tỉnh.

Anh Nguyễn Huỳnh Chiêu chia sẻ: “Nếu coi múa lân như kinh doanh thì kinh doanh này “không có lời”. Với tôi đó là niềm đam mê, mong muốn truyền ngọn lửa nhiệt huyết đến nhiều người trẻ. Thời điểm khó khăn đã qua, bây giờ suất diễn tạm ổn, được sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương giúp cho hoạt động của đoàn thuận lợi, phát triển hơn”.

Bản thân anh Chiêu có hơn 15 năm gắn bó với múa lân, tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống được nuôi dưỡng theo thời gian. Đoàn hiện có 2 thành viên nữ tham gia, được kỳ vọng phát triển thêm nội dung múa lân nữ. Hàng năm, từ nguồn kinh phí tự túc và hỗ trợ của huyện, đoàn tham gia giải đấu cấp tỉnh, giải ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Đoàn sẽ tiếp tục tuyển chọn thêm thành viên để mở rộng hoạt động và đưa múa lân gần hơn với mọi người.

Ít nhưng chất lượng nâng lên

Toàn tỉnh hiện có khoảng 15 đoàn lân sư rồng đang hoạt động, chiếm chưa tới một nửa so với chục năm về trước. Dù số lượng ít, nhưng vị thế múa lân Hậu Giang được nâng tầm, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhờ lực lượng ổn định, kỹ thuật tốt, chuyên môn vững vàng. Mới đây, tại Giải lân sư rồng tỉnh Hậu Giang mở rộng “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Giáp Thìn” tranh cúp đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, thu hút 18 đoàn góp mặt, Hậu Giang có 6 đoàn thi đấu. Kết quả, giải nhất toàn đoàn thuộc về Đoàn lân sư rồng Nghĩa Tâm Hội, thành phố Vị Thanh, với 1 giải nhất lân lên mai hoa thung, 2 giải nhì nội dung múa rồng và lân leo cột cá nhân không hái lộc, 1 giải ba nội dung lân địa bửu. Riêng, Đoàn lân sư rồng Chiêu Duy Đường cũng đoạt được 1 giải ba nội dung lân leo cột không hái lộc.

Anh Trần Thanh Cảnh, Trưởng đoàn lân sư rồng Nghĩa Tâm Hội, cho biết: “Thành công từ các giải do tỉnh đăng cai góp phần vun bồi niềm đam mê, nhiệt huyết cho giới trẻ, để hiểu, tiếp cận gần hơn với múa lân. Chúng tôi sẽ nỗ lực cho hành trình sắp tới, đặc biệt là trau dồi trình độ chuyên môn, học hỏi thêm những kỹ thuật mới, nâng tầm bản thân và các bài biểu diễn”.

Đoàn lân sư rồng Nghĩa Tâm Hội còn trực tiếp làm ra các đầu lân, dụng cụ múa lân mini độc đáo bằng nhựa với kỹ thuật in 3D, cung ứng cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhờ đó, đoàn có thêm kinh phí hoạt động, các thành viên cũng đỡ một phần trang trải cuộc sống, an tâm gắn bó lâu dài với múa lân.

Anh Chiêu, anh Cảnh là hai trong nhiều người trẻ tâm huyết với bộ môn múa lân ở tỉnh và hiện đã đạt chuẩn trọng tài quốc gia của môn lân sư rồng. Tham gia làm trọng tài chính ở các giải đấu quốc gia, được mời điều hành các giải quốc tế.

Những năm gần đây, tỉnh dành nhiều sự quan tâm cho việc phát triển bộ môn này khi luôn đưa múa lân vào chương trình thi đấu năm, tổ chức tập huấn trọng tài quốc gia, đăng cai tổ chức các giải đấu cấp quốc gia, khu vực. Đây là điều kiện lý tưởng để các đoàn lân của tỉnh học hỏi, đúc kết kinh nghiệm cần thiết, từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ với những tỉnh, thành phố trong khu vực.

Múa lân Hậu Giang đang được giữ lửa và phát triển bởi những người trẻ, luôn tâm huyết hết mình trên hành trình chinh phục đam mê, thành tích, mang đến niềm vui, tiếng cười rộn rã cho mọi người theo mỗi bước nhảy dứt khoát, uyển chuyển của lân.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>