Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của truyền thông trước biến đổi khí hậu

17/06/2019 | 17:34 GMT+7

(HGO) - Nằm trong chuỗi các sự kiện của Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), chiều ngày 17-6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Truyền thông về biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long”. Tham dự hội thảo có ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; một số giáo sư, chuyên gia về BĐKH và đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế.

Đại biểu cùng nhau chia sẻ về vai trò, trách nhiệm và định hướng về truyền thông đối với BĐKH trong thời gian tới.

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà báo trong nước và quốc tế đã chia sẻ về vai trò, trách nhiệm của báo chí với biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh truyền thông đang cùng với các cơ quan chức năng đưa vùng ĐBSCL phát triển theo hướng Mê Kông xanh. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu còn nêu lên những đặc thù, khó khăn và thách thức của BĐKH tại vùng ĐBSCL đối với truyền thông. Đặc biệt, nhiều nhà báo trong nước và quốc tế có những thông tin về nhiều kinh nghiệm trong ứng phó thiên tai của một số nước trên thế giới để ngành chức năng, truyền thông trong nước có sự nghiên cứu, tuyên truyền cho người dân vùng ĐBSCL dần thích ứng tốt hơn với BĐKH.

Nhiều chuyên gia, nhà báo trong và ngoài nước tham gia hội thảo. 

Để làm được vấn đề trên, tại hội thảo, nhiều đại biểu đề xuất và mong muốn truyền thông trong thời gian tới là có giải pháp giúp xã hội có cách hiểu đúng, đủ về BĐKH; cần dẫn chứng những tác động, tổn thương, thiệt hại do BĐKH gây ra không chỉ vào thời điểm hiện tại mà còn ảnh hưởng đến con cháu mai sau, từ đó nhận được sự chung sức của cả xã hội trong việc chủ động thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại và nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH. Bên cạnh đó, cơ quan truyền thông cần tuyên truyền sâu rộng hơn những mô hình hay trong ứng phó với BĐKH hiệu quả không chỉ của trong nước mà cả quốc tế để ngành chức năng các địa phương và người dân nghiên cứu áp dụng để bảo vệ tính mạng và tài sản của chính mình trước tình hình BĐKH đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL, nhất là sạt lở, xâm nhập mặn, khô hạn…

 

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>