Xây dựng thành công chính quyền điện tử là chìa khóa cho sự phát triển

02/10/2020 | 15:41 GMT+7

(HGO) - Đó là khẳng định của ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tại buổi lễ công bố các hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang vào sáng ngày 2-10.

Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút vận hành các hệ thống.

Theo ông Lê Tiến Châu, với xuất phát điểm thấp, không nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên nên để tạo sự chuyển biến đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Hậu Giang phải tự tạo cho mình lợi thế cạnh tranh đặc thù trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Tỉnh cũng xác định xây dựng thành công chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số là một trong ba nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025, là chìa khóa cho sự phát triển.

Ký kết các bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh với các tập đoàn viễn thông và Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên tinh thần đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin, đặc biệt là Cổng dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh, tăng tốc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp, bổ sung tính năng của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh, phối hợp với cơ quan liên quan triển khai các ứng dụng phù hợp để phát triển kinh tế số, nâng cao chất lượng sống của người dân và doanh nghiệp.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thực hiện ký số văn bản điện tử trên điện thoại di động tại lễ công bố.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng cần tham mưu cho Thường trực UBND tỉnh ban hành lộ trình thay thế hoàn toàn văn bản giấy bằng văn bản điện tử có ký số; đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai mạng 5G đầu tiên trên địa bàn tỉnh và phổ cập điện thoại thông minh cho người dân bắt đầu từ năm 2021; hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin một cách hiện đại, đồng bộ để triển khai các ứng dụng đạt hiệu quả cao nhất.

Các đại biểu tham quan Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh.

Nhấn mạnh đến sự tham gia của người dân trong xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, Sở Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường trung học trên địa bàn chủ động tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng di động của tỉnh và hướng dẫn cho người thân trong gia đình sử dụng khi có nhu cầu. Các sở, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng di động Hậu Giang để giao tiếp với chính quyền.

Thực hiện Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Hậu Giang đã ưu tiên nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng một số hệ thống thông tin nền tảng và Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh.

Sau gần 9 tháng xây dựng, đến nay, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh thông tin, Cổng dịch vụ công trực tuyến, Ứng dụng di động Hậu Giang, Tổng đài cải cách hành chính, Cổng thông tin điện tử, Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội trực tuyến, Hệ thống quản lý văn bản và Trục liên thông dữ liệu đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, bước đầu đáp ứng được nhu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Cụ thể, đối với dịch vụ công trực tuyến, từ địa chỉ website http://dichvucong.haugiang.gov.vn người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ mà không cần đến các cơ quan hành chính. Đồng thời, có thể theo dõi tiến độ hồ sơ đang được cơ quan nào xử lý, sau đó đến nhận kết quả. Hiện cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Hậu Giang đã được triển khai, liên kết với bộ phận một cửa từ tỉnh đến cơ sở.

Tính đến thời điểm này, đã có 230 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ tăng lên khoảng 400 dịch vụ. Đây là đầu mối kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong xử lý các thủ tục hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền phục vụ người dân tốt hơn theo mục tiêu: “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”.

Trong khi đó, IOC được xem là trung tâm của chính quyền số với các tính năng: Giám sát cổng dịch vụ công trực tuyến; giám sát, điều hành giao thông; giám sát an ninh, trật tự xã hội; thông tin phản ánh hiện trường; hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội; hệ thống giám sát thông tin báo chí, truyền thông; hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng.

Thông qua các hệ thống trên sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và người dân thông qua việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cũng như các tiện ích cho người dân trên môi trường internet; giúp cơ quan nhà nước tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của mọi người dân, doanh nghiệp một cách tức thời. Đồng thời, người dân được giám sát quá trình xử lý các phản ánh, kiến nghị đó một cách công khai, minh bạch.

Tin, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>