Tỉnh trẻ vươn mình vì “Dám nghĩ, dám làm, không lùi bước, không nói khó, không nói không thể...”

10/07/2023 | 16:05 GMT+7

(HGO) - Hậu Giang từng là một trong hai tỉnh nghèo nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long thời điểm mới chia tách vào năm 2004. Trải qua một hành trình gần 20 năm gầy dựng, nỗ lực, vươn lên, tỉnh trẻ đã trở thành một trong những điểm sáng trong sự phát triển, có không ít những bất ngờ với sự vươn mình của Hậu Giang.

Dù còn những khó khăn, nhưng với những chủ trương đúng đắn, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, từ lãnh đạo tỉnh đến cơ sở đều quán triệt sâu sắc phương châm “Dám nghĩ, dám làm, không lùi bước, không nói khó, không nói không thể”trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, từ sự quyết tâm, quyết liệt, ở tuổi gần đôi mươi, Hậu Giang vẫn là tỉnh trẻ trong khu vực và cả nước, nhưng những thành quả phát triển thì không trẻ.

“Sau gần 20 năm, tính đến năm 2022, Hậu Giang đã vươn lên như “ngôi sao sáng” trong tăng trưởng, với nhiều điểm sáng bứt phá của vùng cũng như cả nước. Tổng cục Thống kê thông tin: Năm 2022, Hậu Giang lần đầu đạt đđà tăng trưởng ấn tượng khi đứng thứ 4 cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Hậu Giang đạt 14,21%, đứng đầu cả nước. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm qua, tỉnh Hậu Giang xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố cả nước. So với PCI năm 2021, PCI năm 2022 Hậu Giang tăng 26 bậc. Sự bứt phá mạnh mẽ về thứ hạng PCI của Hậu Giang là kết quả mang lại từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của tỉnh trong tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Năm 2022, là năm thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng cao so dự toán, đạt trên 6.000 tỉ đồng, vượt 31% dự toán Trung ương giao, bằng 1,7 lần số thu ngân sách năm 2020. Đời sống nhân dân trong tỉnh đã có bước cải thiện đáng kể, GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 65,89 triệu đồng/người, tương đương 2.657 USD, tăng 21,43% so với cùng kỳ.

HOÀNG NGUYÊN thực hiện

Trong chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân tỉnh Hậu Giang vào năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ đạo: Là tỉnh còn khó khăn, nên Hậu Giang phải nỗ lực nhiều hơn, quan tâm cơ sở, sâu sát cơ sở, phải quyết tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân lên một bước... Những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành kim chỉ nam để Đảng bộ Hậu Giang thực hiện nhiệm vụ chính trị, vững tin trên đường đi tới.

Từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Hậu Giang đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng với phương châm: “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”, tỉnh luôn tranh thủ cơ hội, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững. Nhờ đó, tỉnh đạt được những kết quả khá toàn diện, có tính bứt phá trên nhiều lĩnh vực. Bám sát vào sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh triển khai thực hiện sáng tạo, với quyết tâm, khát vọng đưa Hậu Giang phát triển vượt trội so với các tỉnh, thành trong khu vực. Tập trung xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo định hướng: “1 Tâm, 2 Tuyến, 3 Thành, 4 Trụ, 5 Nhiệm vụ trọng tâm”.

Thời điểm tỉnh mới thành lập, phương châm đặt ra là “Đoàn kết, Nghĩa tình, Thủy chung, Năng động”. Sau gần 20 năm nỗ lực phấn đấu, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, những kết quả của bao thế hệ, tỉnh đặt mục tiêu phát triển mới là: “Đổi mới, Đột phá, Quyết tâm, Khát vọng”. Cả phương châm trước đây và mục tiêu hiện nay sẽ luôn đồng hành trong tiến trình phát triển của Hậu Giang. Lãnh đạo tỉnh xác định đột phá về công nghệ là một điểm nhấn, trong ảnh  là khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số cấp vùng do Hậu Giang tiên phong tổ chức.

Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn “Nói đi đôi với làm”. Minh chứng điển hình cho điều này là tỉnh xác định đồng hành cùng doanh nghiệp, thay vì cho phép, cấp phép, chuyển sang được phục vụ và nhận thức “một văn hóa, một ngôn ngữ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”. Cam kết "2 nhanh, 3 tốt". Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc chính đáng của người dân, lắng nghe tâm tư doanh nghiệp. Chú trọng những hoạt động hướng về cơ sở là điểm nhấn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trong nhiệm kỳ này cũng như nhiều nhiệm kỳ qua.

Lãnh đạo tỉnh xác định: Thay đổi bắt đầu từ tư duy, muốn phát triển nhanh phải đột phá. Tỉnh tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư 4 lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch theo Nghị quyết số 04 “Nghị quyết 4 trụ cột” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tỉnh xác định đây là đột phá chiến lược, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, công nghiệp có vai trò nền tảng, dẫn dắt, lan tỏa - là trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gia tăng nguồn thu ngân sách. Hàng chục các bản ký kết hợp tác toàn diện với các viện, trường, các tỉnh, thành cũng nhằm để cụ thể hóa cho những chiến lược nói trên.

Với những “điểm nghẽn”, những hạn chế trong sự phát triển, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, đúng với yêu cầu, định hướng phát triển của tỉnh, đó là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp. Hỗ trợ, khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường; hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách; tập trung ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lơi cho doanh nghiệp và người dân. Tập trung cải cách hành chính mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; xây dựng Chiến lược phát triển và Quy hoạch tỉnh Hậu Giang. Chú trọng triển khai đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đảm bảo liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng.

Để Hậu Giang có sự bứt phá như hôm nay, gần 20 năm qua là biết bao nhiêu nỗ lực, nhiều trăn trở, sự quyết liệt không ngừng nghỉ. Ngược dòng lịch sử, những năm kháng chiến, Vị Thanh là vùng đất hứng chịu cảnh bom đạn, pháo kích nặng nề, nên quá trình kiến thiết, xây dựng lại sau chiến tranh là cả mộ hành trình dài không ngưng nghỉ. Những năm đầu chia tách, các cơ quan từ khối Đảng đến đoàn thể của tỉnh đều phải thuê nhà để làm trụ sở. Trung tâm tỉnh lỵ - thị xã Vị Thanh (thành phố Vị Thanh bây giờ) những năm đầu chia tách thật đơn sơ, với những bộn bề.

“Năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh gần 24%. Sau chiến tranh, Hậu Giang có hơn 33.000 người có công với cách mạng, trong đó có gần 2.000 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 12.500 liệt sĩ, 5.700 thương binh, bệnh binh. Năm đầu chia tách, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Hậu Giang lúc đó thấp nhất vùng, chỉ chiếm khoảng 3,8% của đồng bằng sông Cửu Long, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chỉ bằng 11% của tỉnh Cần Thơ, nguồn thu ngân sách mới đảm bảo khoảng 25% nhu cầu, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2004 chỉ bằng tỉnh Cần Thơ 10 năm trước đó.

Sau gần chục năm, các trụ sở làm việc tại Hậu Giang mới có dự án xây dựng, lãnh đạo tỉnh khi đó xác định lo cho dân trước, chỗ làm việc sẽ tính sau. Trong ảnh là thời điểm xây dựng công trình Trụ sở Tỉnh ủy và các ban xây dựng Đảng, đoàn thể.

Từ những bàn tay kiến tạo, dựng xây, định hướng, mở đường, Hậu Giang qua mỗi ngày đã vươn mình.   

Ông Lư Văn Điền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, từng chia sẻ: “Bí quyết là gì?, yếu tố nào để Hậu Giang thành công?, có người hỏi tôi như vậy. Là một cán bộ nghỉ hưu, với kinh nghiệm bản thân, tôi thấy có nhiều nguyên nhân nhưng thấm thía nhất là khâu đoàn kết nội bộ, toàn tâm toàn ý chăm lo đời sống Nhân dân. Chẳng phải lúc nào lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng kêu gọi: Hãy đoàn kế chung sống chung lòng đó sao?, để có một Hậu Giang rạng rõ như hôm nay”.

Còn nhớ thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã luôn sâu sát cơ sở, không ngại nguy hiểm, khó khăn, để kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương hoàn thành nhiệm vụ, tăng cường phòng, chống dịch. Hậu Giang có số tử vong thấp nhất khu vực ĐBSCL cũng như cả nước do đại dịch Covid-19 mặc dù tỉnh có số lượng lao động từ vùng dịch trở về không hề ít so với các tỉnh, thành khác, thậm chí là nhiều hơn.

Đại dịch đi qua, đã để lại nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện mục tiêu phát triển, nhưng Hậu Giang không chùn bước, càng cố gắng bước tới, nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hòa chung khí thế đó, cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng vào cuộc. Trái ngọt cho mang về là Hậu Giang dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng...

Chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương) đã nhấn mạnh: Hậu Giang giàu truyền thống lịch sử cách mạng anh hùng, còn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội, nhất là thế mạnh về vị trí địa lý, đất đai, bản sắc văn hóa đặc sắc, phong phú, đa dạng; nguồn nhân lực vô hạn nếu biết cách phát huy.  Đảng bộ tỉnh Hậu Giang cần xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những hạn chế của địa phương trong mối tương quan của khu vực và cả nước để cụ thể hóa thành mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chỉ đạo này chính là nền tảng để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hậu Giang nỗ lực, bứt phá ở hiện tại và vươn lên trở thành tỉnh khá trong cả nước ở tương lai...

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>