Báo Hậu Giang điểm tin sáng 2 – 9: Ngôi làng may cờ Tổ quốc

02/09/2024 | 05:50 GMT+7

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Lời Người để lại"; Cuốn sách tiếng Nhật về Bác Hồ được viết tay hoàn toàn; GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng được trao giải thưởng được xem như 'Nobel châu Á'; Vũ hội đường phố bên bờ sông Hàn Đà Nẵng dịp lễ 2-9.

Ngôi làng may cờ Tổ quốc

Những ngày này, tại ngôi làng truyền thống thêu cờ Tổ quốc mang tên Từ Vân tại xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội lại trở nên tất bật, rộn ràng hơn bao giờ hết. Công việc của họ vốn đã đầy ắp niềm tự hào, giờ đây lại càng trở nên ý nghĩa, thiêng liêng hơn bao giờ hết.

Tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ, tâm huyết trong từng bước tạo hình, mỗi người con làng Từ Vân đặt vào từng lá Quốc Kỳ niềm tự hào, vinh dự khi được góp phần tô thắm vẻ rực rỡ của Đất nước trong những ngày trọng đại.

Có nhiều yếu tố để một ngôi làng gắn bó với nghề truyền thống. Với làng Từ Vân, sự gắn kết chắc chắn bắt đầu từ lòng yêu nước truyền tải qua những lá cờ đỏ sao vàng.

Hàng ngày, lá cờ Tổ quốc do người làng Từ Vân may vẫn tung bay trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ biên giới hải đảo xa xôi, từ phố phường cho đến làng quê luôn khơi dậy trong lòng mỗi người dân hai tiếng "Việt Nam" đầy tự hào. Và, đó cũng chính là niềm tự hào riêng của những người dân làng Từ Vân.

Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Lời Người để lại"

Chương trình Lời Người để lại do Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội  mới đây.

Chương trình kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2024).

Chương trình là hành trình cảm xúc, đưa khán giả về lại dấu mốc năm 1965, khi Bác Hồ bắt đầu những dòng Di chúc đầu tiên - mà Người gọi là "tài liệu tuyệt đối bí mật".

Trong khoảng thời gian 4 năm, từ 10-5-1965 đến 19-5-1969, Bác đã dành 28 buổi, phần lớn mỗi buổi hai giờ rưỡi để viết Di chúc.

Xem chương trình, khán giả xúc động gặp lại những thước phim, những hình ảnh tư liệu giản dị về Bác.

Cảnh Bác ngồi viết ở ghế mây hoặc đánh máy ở bàn gỗ, cảnh giá sách và chiếc hộp Người đựng tài liệu "Tuyệt đối bí mật",…

Có cả chiếc máy chữ Hermet, Bác tự tay viết hoặc đánh văn bản Di chúc (bản năm 1965), những chiếc bút với nhiều màu mực khác nhau Bác đã dùng, phong bì Bác đựng tài liệu "Tuyệt đối bí mật"...

Trong tâm trạng thoải mái, Người chuẩn bị cho sự ra đi của mình. Đó là tâm trạng "Bình sinh đi vào cõi trường sinh".

Chương trình cũng kể lại thời khắc 9h47 ngày 2-9-1969, Bác ra đi sau một cơn đau tim. Đó trở thành "phút ngưng của lịch sử".

Chương trình Lời Người để lại gồm hai chương: Mấy lời để lại và Mãi mãi Hồ Chí Minh.

Bên cạnh những đoạn băng tư liệu, phỏng vấn về bản Di chúc, còn có cả những tiết mục nghệ thuật kết nối mạch kể.

Loạt ca khúc về Bác trở lại, khiến khán giả sống dậy những thời khắc đã đi vào lịch sử. Nhiều khán giả có mặt tại quảng trường Ba Đình đã cùng nhau hát và vỗ tay những ca khúc về Người.

Cuốn sách tiếng Nhật về Bác Hồ được viết tay hoàn toàn

Lịch sử ngành xuất bản từng có một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Nhật in từ bản viết tay công phu vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.

Và người chép tay cuốn sách ấy chính là con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm - ông Nguyễn Tuấn Khoa.

Đó là cuốn sách của Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người vừa qua đời năm 1969, từng in trên báo Nhân Dân, rồi sau đó xuất bản thành sách.

Cuốn sách có tựa Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp. Tới năm 1990, kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác, cuốn sách được Nhà xuất bản Ngoại Văn (nay là Nhà xuất bản Thế Giới) xuất bản bằng năm thứ tiếng, cùng một khổ 13x19cm, trong đó riêng cuốn tiếng Nhật in từ bản viết tay của ông Nguyễn Tuấn Khoa.

Những ngày đầu năm 1990, người của Nhà xuất bản Ngoại Văn tìm đến ông Nguyễn Tuấn Khoa, khi đó đang công tác tại một trung tâm thuộc Bộ Y tế.

Họ khẩn khoản nhờ ông Khoa chép tay cuốn sách Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp bằng tiếng Nhật để in, phát hành đúng vào tháng 5, sinh nhật Bác.

Tình thế cấp bách. Sách lần này in năm thứ tiếng, tiếng Anh, Pháp, Nga có thể xếp chữ in typo, bản tiếng Trung Quốc có máy đánh chữ cho ra bản nhỏ vừa vặn khổ in sách.

Nhưng tiếng Nhật thì kỹ thuật in, thiết bị ở Việt Nam lúc bấy giờ chỉ có thể viết tay rồi in selen.

Nếu gửi sang Nhật Bản nhờ chép, xếp chữ rồi gửi lại Việt Nam để in sẽ không kịp. Chỉ còn cách tìm người trong nước chép sách.

Khổ nỗi bấy giờ Việt Nam chưa có nhiều người biết tiếng Nhật, người viết tiếng Nhật đẹp, đều đặn, đủ tiêu chuẩn để in càng hiếm.

Đang bí thì một biên tập viên bản tiếng Pháp của cuốn sách này chợt nhớ ra người thầy mình từng theo học tiếng Nhật. Khi biên tập viên Nhà xuất bản Ngoại Văn tìm đến, ông Khoa viết thử một trang, nhà xuất bản ưng ngay và mời ông giúp cho một công việc rất quan trọng.

Ông Khoa miệt mài viết trong ba tháng, công phu, tỉ mỉ, cẩn trọng từng chữ. Phải đảm bảo chữ đẹp, đều tăm tắp.

Nhiều phen viết hỏng một chữ, lại phải bỏ đi cả trang, viết lại. Cho nên gần đến hạn chót mà chưa xong, lại vướng công tác nên nhà xuất bản phải nhờ thêm một người có chữ viết khá giống nét chữ ông Khoa chép giúp một số trang để nhà xuất bản kịp in đúng dịp sinh nhật lần thứ 100 của Bác Hồ.

Đây có lẽ là cuốn sách duy nhất về Bác bằng tiếng Nhật được in từ bản chép tay.

GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng được trao giải thưởng được xem như 'Nobel châu Á'

Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay, được xem là giải "Nobel châu Á", vừa công bố 5 chủ nhân của giải năm nay, trong một sự kiện trực tuyến toàn cầu.

Lễ trao giải thưởng Ramon Magsaysay lần thứ 66 sẽ được tổ chức vào ngày 16-11 tới, tại Nhà hát Metropolitan ở Manila, Philippines.

Ban tổ chức Giải thưởng Ramon Magsaysay vinh danh bác sĩ người Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người có nhiều đóng góp vì đã cống hiến cuộc đời mình cho việc nghiên cứu tìm ra sự thật và những tàn phá của chất độc da cam lên sức khỏe con người, sức khỏe sinh sản của các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin, theo đuổi công lý đòi công bằng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Ramon Magsaysay là giải thưởng thường niên, được thành lập vào năm 1957, được xem là "giải Nobel châu Á", Giải thưởng Ramon Magsaysay nhằm mục đích tôn vinh những người đã "phục vụ quên mình vì sự phát triển của các dân tộc châu Á".

Vũ hội đường phố bên bờ sông Hàn Đà Nẵng dịp lễ 2-9

Bước vào ngày đầu kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, hàng ngàn người dân và du khách ở Đà Nẵng đã đổ về dọc bờ sông Hàn xem vũ hội đường phố.

Người dân và du khách đã đổ về đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ Lý Nam Đế - Triệu Việt Vương) để chờ xem biểu diễn vũ hội đường phố.

Tại đây, hàng trăm vũ công và nghệ sĩ đường phố đã cống hiến những màn biểu diễn đầy sôi động, vui tươi. Nhiều khán giả say mê thưởng thức các vũ điệu rumba, cha cha cha, tango, disco... được những vũ công thể hiện nhịp nhàng.

Nhiều du khách còn nhiệt tình tham gia nhảy múa cùng các vũ công, khiến bầu không khí bên sông Hàn trở nên vô cùng náo nhiệt.

Không chỉ tập trung ở đường Trần Hưng Đạo, người dân và du khách còn đứng kín một bên cầu Rồng để thưởng thức vũ hội đường phố từ trên cao. Nhiều du khách tranh thủ dùng điện thoại quay phim, chụp hình, chia sẻ trực tiếp cho người thân, bạn bè nơi xa cùng xem.

Với sự kết hợp giữa hệ thống âm thanh công suất lớn và các loại đèn pha, đèn xoay được đặt cố định tại nhiều cụm dọc đường Trần Hưng Đạo, khu vực này đã trở thành một bữa tiệc âm thanh, ánh sáng, chào đón kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 rộn ràng tại Đà Nẵng.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>