Điểm tin sáng 6 – 7: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 - 15 tuổi tăng mạnh

06/07/2024 | 05:52 GMT+7

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: Giai đoạn cực đoan nhất trong lịch sử thời tiết chưa từng có tiền lệ trong 3 thế kỷ qua tại châu Á; Trứng cá mập không nở được vì nóng lên toàn cầu; Indonesia khánh thành nhà máy pin xe điện đầu tiên ở Đông Nam Á; Nhật Bản sẽ thiếu gần 1 triệu lao động nước ngoài vào năm 2040.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 - 15 tuổi tăng mạnh

Ảnh minh họa.

Chỉ sau 5 năm (2015 - 2020), tỷ lệ người trưởng thành (15 tuổi trở lên) sử dụng thuốc lá điện tử tăng 18 lần, từ 0,2% lên 3,6%.

Theo nghiên cứu tại 11 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 - 15 tuổi tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Bên cạnh đó, chỉ trong năm 2023 đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được cấp phép nhập khẩu, quảng cáo và bán tại Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan, việc thực thi rất yếu.

Đã có 5 quốc gia ASEAN (Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei) cấm thuốc lá điện tử.

Hiện Bộ Y tế đang xây dựng hồ sơ, trình Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo nghị quyết. Trong đó, đưa quy định cấm toàn bộ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để đảm bảo sức khỏe người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Giai đoạn cực đoan nhất trong lịch sử thời tiết chưa từng có tiền lệ trong 3 thế kỷ qua tại châu Á

Hè năm nay, mức nhiệt tăng lên các mốc cao kỷ lục đánh dấu giai đoạn cực đoan nhất trong lịch sử thời tiết, chưa từng có tiền lệ trong 3 thế kỷ qua tại châu Á.

Ấn Độ nổi lên là điểm nóng đúng nghĩa đen khi nhiều địa phương ghi nhận mức nhiệt hơn 43oC. Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đã phải ban hành cảnh báo đỏ về nắng nóng, đồng thời khuyến cáo sóng nhiệt sẽ tiếp tục thiêu đốt. Nước láng giềng Bangladesh cũng đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt nhất và dài nhất trong lịch sử, quy mô lan rộng đến hơn 75% diện tích đất nước, nhiệt độ thường xuyên trên 42oC, cao hơn 4 - 5oC so với mức trung bình cùng kỳ 30 năm qua.

Tại Campuchia cũng ghi nhận mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trong khoảng 170 năm. Tại Lào, nhiệt độ ngoài trời những ngày đỉnh điểm đo được lên đến 47oC, là mức nhiệt cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Thị trấn Chauk ở miền trung Myanmar cũng chứng kiến mức nhiệt lên đến 48,2oC khi mới bước vào hè. Tại Philippines, nhiệt độ lên tới 50oC ở nhiều khu vực khác nhau.

Trứng cá mập không nở được vì nóng lên toàn cầu

Nghiên cứu được trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Sinh học thực nghiệm ở Praha (Cộng hòa Czech) cho thấy trứng cá mập ít có khả năng nở thành công nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu không được kiểm soát.

Nghiên cứu, được thực hiện trong suốt 10 tháng, đã kiểm tra sự phát triển của phôi, mức tiêu thụ lòng đỏ và tỉ lệ sống của trứng cá nhám mèo đốm trong ba điều kiện riêng biệt. Có một nhóm đối chứng, với nhiệt độ và độ pH nước phù hợp với các đại dương từ năm 1995 đến năm 2014.

Indonesia khánh thành nhà máy pin xe điện đầu tiên ở Đông Nam Á

Indonesia đã khánh thành nhà máy pin xe điện đầu tiên tại Đông Nam Á, sẵn sàng trở thành một nhân tố chủ chốt trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu, với hệ sinh thái tích hợp.

Nhà máy đặt tại Karawang, tỉnh Tây Java, được phát triển bởi liên doanh giữa tập đoàn pin Indonesia và hai doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc. Dự án này là một phần trong thỏa thuận sản xuất pin xe điện trị giá 9,8 tỉ USD giữa Indonesia và đối tác.

Dự kiến nhà máy này có thể sản xuất tới 10 GWh pin mỗi năm, đủ cung cấp điện cho 150.000 xe điện, và có kế hoạch mở rộng lên 20 GWh trong tương lai. Cơ sở này được kỳ vọng sẽ đưa Indonesia trở thành "doanh nghiệp toàn cầu trong chuỗi cung ứng xe điện".

Indonesia là quốc gia có trữ lượng tài nguyên trù phú, như bauxite, đồng, hay sản xuất lượng niken lớn nhất thế giới. Nước này có ý định tận dụng vị thế này để trở thành trung tâm xe điện chiếm phần lớn trong chuỗi cung ứng. Chính phủ đặt mục tiêu sản xuất 600.000 xe điện mỗi năm vào năm 2030.

Nhật Bản sẽ thiếu gần 1 triệu lao động nước ngoài vào năm 2040

Năm 2040, Nhật Bản sẽ cần thêm 970.000 lao động nước ngoài để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Con số thiếu hụt này làm nổi bật những thách thức đối với Nhật Bản trong việc thu hút và giữ chân nhân lực người nước ngoài.

Ước tính mới nhất của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cao hơn gấp đôi so với thời điểm nghiên cứu vào năm 2022. Khi đó, cơ quan này ước tính Nhật Bản chỉ thiếu hụt 420.000 lao động vào năm 2040. Nguyên nhân là do Nhật Bản dự báo sẽ thu hút lao động từ các quốc gia châu Á ít hơn. Nhật Bản đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt để thu hút nguồn lực quốc tế khi Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang thu hút lao động để củng cố lực lượng lao động bị giảm sút.

Nghiên cứu cũng ước tính sẽ có 225.000 lao động Việt Nam sang Nhật Bản vào năm 2030, tương đương 80% so với trước đại dịch Covid-19.

Giữ chân lao động nước ngoài cũng đang là thách thức của Nhật Bản khi báo cáo cho thấy 62,3% lao động nước ngoài sẽ rời Nhật Bản trong vòng 3 năm tới.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>