Thư viện ĐBSCL bàn cách để trở thành “nơi đáng đến”

03/12/2023 | 12:50 GMT+7

Văn hóa nghe - nhìn ngày càng chiếm ưu thế so với văn hóa đọc khiến nhiều người xa dần thói quen đọc sách, đã đặt ra thách thức cho những người làm công tác thư viện ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Mang sách gần hơn với mọi người, đặc biệt là học sinh, sẽ giúp văn hóa đọc ngày càng lan tỏa, phát triển.

Phải thay đổi từ thuần truyền thống sang mô hình thư viện thông minh

Những năm qua, hệ thống thư viện khu vực ĐBSCL cố gắng đổi mới, cải tiến lề lối làm việc để đạt hiệu quả trong việc cung cấp thông tin, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí của người dân, góp phần nâng cao dân trí, năng lực sáng tạo. Ứng dụng chuyển đổi số đã và đang tạo ra nhiều thay đổi trong phương thức tiếp cận cũng như sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin thư viện của bạn đọc. Hoạt động thư viện cần được thay đổi từ mô hình thư viện thuần truyền thống sang mô hình thư viện thông minh.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Phó Giám đốc Thư viện thành phố Cần Thơ, cho rằng: “Với thư viện truyền thống hiện nay không gian đọc phải hiện đại, hấp dẫn, tài nguyên thông tin tổng hợp, phục vụ chuyên nghiệp, đủ sức thu hút. Riêng triển khai thư viện số, điều kiện tiên quyết là phải có nguồn tài nguyên thông tin số đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc mọi lúc, mọi nơi. Hệ thống cơ sở dữ liệu số được cung cấp từ các nhà xuất bản, trung tâm phát hành, nhà sách và thông tin tự số hóa như địa chí, tài liệu quý hiếm, luận án, luận văn, tài liệu nghiên cứu khoa học…”. Tính đến năm 2023, Thư viện thành phố Cần Thơ đã có hơn 26.000 đơn vị tài liệu số hóa, trong đó trên 19.000 bài báo, tạp chí số hóa, gần 5.000 tài liệu số hóa chuyên đề, khoảng 400 ấn phẩm Xuân, gần 3.000 tên Ebook, 408 tên tài liệu số hóa địa chí Cần Thơ - ĐBSCL…

Tại Thư viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) cũng tích cực ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng lực hoạt động và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại. Việc ứng dụng công nghệ được thực hiện trong công tác biên mục, xử lý tài liệu, quản lý thẻ bạn đọc, tra cứu, mượn, trả và gia hạn tài liệu, thiết lập trang website, zalo OA … Qua gần 3 năm triển khai, đã số hóa và phục vụ trên 200 tài liệu; thực hiện đăng ký 3.525 thẻ bạn đọc trực tuyến ứng dụng mã vạch và mã QR trong quản lý bạn đọc, tài liệu, đăng nhập, đăng ký dữ liệu số; thực hiện 37 quyển sách nói, 9 bài đọc sách, 27 audio câu chuyện truyền thanh; tổ chức các buổi livestream, chương trình minigame trực tuyến…

Ông Dương Tấn Phát, Giám đốc Thư viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre), chia sẻ: “Theo tôi, mỗi thư viện cần thay đổi về phương thức phục vụ, cố gắng phát huy tối đa thế mạnh của công tác truyền thông, hoạt động đa dạng trên nền tảng số để mang lại nhiều giá trị thiết thực, phù hợp xu thế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác số hóa, chuẩn hóa dữ liệu số, tiến tới việc liên thông thư viện không chỉ bằng tài nguyên dưới dạng in ấn mà còn là tài nguyên thông tin số trên cơ sở tự nguyện kết nối, chia sẻ”.

Mang sách đến gần mọi người

Để văn hóa đọc luôn hiện diện trong sinh hoạt mỗi người, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong nhà trường và cộng đồng, hình thành thói quen, nâng cao kỹ năng đọc sách, Thư viện tỉnh Bạc Liêu đã đẩy mạnh việc triển khai phục vụ sách bằng xe thư viện lưu động đa phương tiện. Mặc dù chỉ được phân bổ kinh phí 80 triệu đồng cho hoạt động này trong năm 2023, nhưng thư viện đã thực hiện được 133 chuyến xe lưu động tại địa bàn. Kết quả bắt nguồn từ sự chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành giáo dục trong toàn tỉnh để thực hiện xe sách lưu động tại trường. Hàng tuần, vào chiều các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy, Thư viện tỉnh Bạc Liêu còn bố trí xe lưu động tại Quảng trường Hùng Vương do nơi đây tập trung đông người dân, học sinh, du khách…

Bà Lưu Thị Hồng Liễu, Giám đốc Thư viện tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Thư viện xác định đưa sách về vùng sâu thông qua chuyến xe lưu động là điều kiện cần thiết để văn hóa đọc tiến xa, gần hơn với người dân, học sinh. Giúp các em được tiếp cận với sách, trả lời câu hỏi trong sách, có thêm niềm vui, yêu thích hơn việc đọc sách. Thư viện luôn tạo được uy tín, sự tin tưởng và có mối quan hệ tốt với các trường”.

Với phương châm “Sách nâng tri thức, vững tương lai”, Thư viện tỉnh Kiên Giang lại chú trọng phối hợp với các trường mầm non, tiểu học xây dựng tiết học ngoại khóa tại Thư viện tỉnh để học sinh làm quen với sách và yêu thích việc đọc sách khi còn nhỏ. Riêng các trường THCS, THPT, cao đẳng và đại học thường liên hệ thư viện tổ chức tham quan, sinh hoạt chuyên đề hàng tháng. Nhờ đó, các học sinh, sinh viên được trải nghiệm nhiều hoạt động như nghe kể chuyện cổ tích, giới thiệu sách hay theo chủ đề, lắp ráp mô hình STEM, tham gia trò chơi dân gian….

Mỗi thư viện đều tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và đề ra những giải pháp, sáng kiến nhằm thu hút bạn đọc như trang trí thêm cây xanh, sắp xếp, bố trí, cải tạo không gian phục vụ, phân bổ nguồn sách mới phù hợp với từng thời điểm, cải cách thủ tục làm thẻ, xây dựng môi trường đọc thân thiện, thái độ hòa nhã vui vẻ, nhiệt tình, mở cửa phục vụ thêm thứ bảy, chủ nhật và buổi tối…

Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Các thư viện tại ĐBSCL cần tiếp tục thực hiện tốt những quyết định, chương trình đã được phê duyệt để phát triển văn hóa đọc ở khu vực. Đẩy mạnh xây dựng và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện là xu thế chung hiện nay. Dù còn nhiều khó khăn nhưng các thư viện cần kiên trì, nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thư viện về ứng dụng công nghệ để đảm bảo tính kết nối”.

Để văn hóa đọc ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng, rất cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, tổ chức và cá nhân. Hướng đến việc khơi dậy niềm say mê đọc sách, giúp đọc sách trở thành việc làm có ý thức và mang tính tự giác!

Hội nghị sơ kết hoạt động Liên hiệp Thư viện ĐBSCL

 

Cuối tuần qua, tại Hậu Giang, Liên hiệp Thư viện ĐBSCL tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động Liên hiệp Thư viện ĐBSCL nhiệm kỳ 2022-2024. Có sự tham dự của khoảng 100 đại biểu là lãnh đạo Vụ Thư viện, Hội Thư viện, Thư viện quốc gia Việt Nam, sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố… cùng nhau trao đổi những mô hình, cách làm hay để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Trong năm 2023, Liên hiệp Thư viện ĐBSCL đã phục vụ 15.083.066 lượt bạn đọc với 29.747.309 lượt sách, báo; cấp mới 35.053 thẻ thư viện cho bạn đọc; trưng bày triển lãm sách báo chuyên đề với 2.652 cuộc; phục vụ ngoại khóa tại thư viện 123 buổi; phục vụ lưu động 939 buổi....

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>