Ánh sáng của người mù

15/02/2018 | 10:03 GMT+7

Lúc chúng tôi ngỏ ý muốn viết một bài về ông Bùi Văn Đông, hiện đang là Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, ông từ chối ngay và nói rằng: “Tết nhứt viết chi chuyện mù mấy cưng, người ta chắc ngại xem lắm”, nhưng tôi nói rằng chính sự tự tin, vượt lên số phận, sự lạc quan của ông sẽ truyền nhiều cảm hứng cho độc giả.

Với ông Đông, cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp.

Ông Đông chia sẻ, ông thích lắm bài hát “Tự nguyện”, rồi ngân nga mấy câu:

“Nếu là chim, tôi sẽ làm loài bồ câu trắng

Nếu là hoa, tôi sẽ làm một đóa hướng dương

Nếu là mây, tôi sẽ làm một vầng mây ấm…”.

Chựng lại một chút, ông nói: “Nhưng tiếc quá, mình khó làm được chim, khó thành hoa hay mây vì mình là người mù, nhưng mù chưa phải là kết thúc đâu, từ ngày mất đi ánh sáng, cuộc sống tôi đã sang một hành trình mới…”.

Một cuộc đời mới mở ra

Trong ngôi nhà nhỏ nằm trên một cù lao ở khu vực Bình Thạnh C, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, ông Đông đang phụ vợ xe kẽm làm cây cành vàng lá ngọc để kịp giao cho khách chưng mấy ngày tết. Ông Đông kể về cuộc đời mình: “Hồi trước, tôi cũng làm thầy giáo được 10 năm, những tưởng mình sẽ gắn bó với sự nghiệp trồng người, nhưng đâu ngờ bệnh tật kéo đến lấy đi ánh sáng đôi mắt vĩnh viễn. Giờ cứ nghe đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, lòng tôi lại bồi hồi nhớ lại quãng thời gian từng gắn bó với mái trường, học sinh của mình”. Những ngày đầu khi biết mình sẽ chẳng còn nhìn thấy gì nữa, ông Đông chỉ muốn trốn tránh mọi thứ, nhưng nhờ sự động viên của vợ, gia đình nên ông dần hòa nhập cuộc sống, tích cực gắn bó với công tác hội như hiện nay. Đó thật sự là một hành trình dài trong bóng tối…

Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm năm 1997, ra trường ông Đông được phân công về giảng dạy ở Trường Tiểu học Long Phú 4, được 5 năm, ông lại được luân chuyển về Trường Tiểu học Long Bình 1, dạy tiếp 5 năm nữa. Đến năm 2004, mắt trái của ông bị cườm nước, do phát hiện trễ nên không thể chữa khỏi, rồi đến năm 2009 mắt còn lại cũng phát bệnh, kể từ đó ngày ngày cuộc sống của ông chỉ còn là bóng tối. Thấy ông bắt đầu sống khép kín, một người anh rể đã đưa ông đến tham gia sinh hoạt ở Hội Người mù huyện Long Mỹ. Cũng như một cơ duyên, cuối năm 2010, ông là một trong những người mù của tỉnh được tạo điều kiện cho đi học chữ Braille (chữ nổi) dành cho người khiếm thị.

Ông Đông bộc bạch: “Lúc đầu, là hội viên của Hội Người mù huyện Long Mỹ, tôi chỉ nghĩ mình tham gia để sinh hoạt với anh, em cùng cảnh ngộ cho vui thôi. Nhưng thời gian sau, thấy hoàn cảnh của mình còn may mắn hơn một số người mù khác, nên tôi đã chọn gắn bó với công tác hội để phần nào sẻ chia được với những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ”. Không chỉ được tạo điều kiện đi học chữ Braille, năm 2014 ông Đông còn được đi tập huấn sư phạm để giảng dạy chữ Braille cho người mù. “Ngày đầu tiên, đứng trên bục giảng tập huấn chữ Braille tuy không nhìn thấy gì nữa, nhưng bao kỷ niệm về những ngày được các em học sinh gọi mình là thầy cứ ùa về làm tôi không thể nào giảng bài được”, ông Đông nhớ lại. Lớp học cho những người đồng cảnh ngộ đã vực ông dậy, suy nghĩ tích cực hơn, sống tốt hơn và thấy cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp.

Dù may mắn đã không mỉm cười khi lấy đi ánh sáng đôi mắt, nhưng bù lại ông Đông hiện có một gia đình rất ấm áp với người vợ hiền đang là cô giáo dạy sinh học ở Trường THCS Thuận Hưng, huyện Long Mỹ và cậu con trai học lớp 7 chăm ngoan học giỏi. Bên cái bếp củi đỏ lửa đang được vợ chuẩn bị bữa cơm chiều, trên chiếc võng nằm nép bên hiên nhà, ông Đông ngân nga lại bài hát “Người thầy” như hồi tưởng lại kỷ niệm của những ngày đã qua:

“Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi,

có hay bao mùa lá rơi

Thầy đã đến như muôn ngàn tia nắng,

sáng soi bước em trong cuộc đời…”.

Người Chủ tịch hội đặc biệt

Cuối tháng 11-2013, Hội Người mù tỉnh thành lập, ông Đông được bầu làm Chủ tịch hội. Hơn 4 năm gắn bó với công tác hội, cũng là từng ấy thời gian ông san sẻ, hỗ trợ kịp thời cho nhiều người mù có hoàn cảnh khó khăn. Ông Đông nói: “Vào năm 2014, trong một lần xuống thăm và tặng quà cho một người mù ở huyện Vị Thủy, khi nhận được phần quà cụ mới nói “Tôi bị mù và sống đến nay đã 89 năm, trước giờ cũng nhận được rất nhiều quà từ các mạnh thường quân hỗ trợ, nhưng đây là phần quà đầu tiên tôi được nhận do chính những người mù như mình trao tặng, tôi thấy ấm lòng lắm”, câu nói đó giúp tôi có thêm động lực để cố gắng vận động và sẻ chia hơn nữa với người mù như mình”.

Tuy không còn nhìn thấy mọi vật, nhưng hàng năm vào các dịp lễ, tết, ông Đông đều liên hệ với mạnh thường quân, nhà hảo tâm để xuống vận động quà hỗ trợ cho người mù có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Mặc dù, mỗi phần quà chỉ đơn giản là thùng mì tôm, vài ký gạo, chai nước tương hay chai dầu ăn nhỏ… giá trị của nó đối với một người bình thường sẽ chẳng có gì là to tát, nhưng đối với người mù, những món quà ấy là động lực giúp họ vượt lên khó khăn và vững tin rằng cộng đồng vẫn quan tâm đến những cảnh đời không may.

Với ông Đông (bên phải), người mù vẫn làm được nhiều việc nhưng phải cố gắng vượt qua sự tự ti, mặc cảm.

Không chỉ hỗ trợ quà hàng năm, khi Trung ương Hội, Tỉnh hội có tổ chức các lớp dạy nghề cho người mù, ông Đông đều tạo điều kiện cho hội viên được đi học. Ông Đông cho biết: “Đối với người mù ai cũng mặc cảm, nghĩ mình là gánh nặng cho xã hội, vì vậy, mấy năm gần đây tôi đã xin mở các lớp dạy nghề như đan giỏ xách bằng dây nilon, để giúp người mù có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Đối với những hội viên nghèo, hội viên khó khăn tôi cũng chỉ đạo các cấp hội xem xét cho hội viên mượn, vay vốn để phát triển kinh tế gia đình”.

Vượt lên khó khăn và mặc cảm về số phận, ông Đông vẫn ngày ngày sẻ chia kịp thời cho nhiều người khiếm thị bằng những việc làm thiết thực nhất. Như cây xương rồng trên cát, trong điều kiện khắc nghiệt nhất ông vẫn mạnh mẽ vươn lên bóng tối, không chỉ tự thắp sáng cho cuộc sống của chính bản thân mình, mà còn cho cả những người đồng cảnh ngộ.

Hãy bỏ qua mặc cảm để mà vươn lên

“Chắc nhiều người nhìn chúng tôi thấy ái ngại lắm, vì họ nghĩ làm sao sống như người bình thường được và nhiều người mù vẫn còn mặc cảm về điều đó. Nhưng tôi muốn nói rằng ai cũng có khiếm khuyết cả, hãy tự tin mà vươn lên, mù chưa phải đã kết thúc, mình tự tin thì “ánh sáng” cuộc sống sẽ tới thôi!”, ông Đông nói.

 

Toàn tỉnh hiện có 1.652 người mù

Trong đó, có 1.045 người mù đang là hội viên. Đến thời điểm này, hiện chỉ có 5 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã thành lập được Hội Người mù ở huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành A, thị xã Long Mỹ và thị xã Ngã Bảy. Các cấp hội người mù đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, mở lớp dạy nghề, hỗ trợ vốn để giúp người mù phát triển kinh tế gia đình… Bên cạnh chăm lo cho người mù, các cấp hội người mù còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tập sách, học bổng cho học sinh khó khăn, học sinh là con em người mù, tặng xe lăn cho người khuyết tật và xây dựng nhà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

 

MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>