Câu chuyện miền Tây bị “chìm” trong tương lai, đâu phải cảnh báo chơi...

07/10/2023 | 14:09 GMT+7

- Ủa, bà Tư nghe bà tính đi mua xuồng hả?

- Ờ, mua thêm 2 chiếc.

- Trong mương bà có 2 chiếc rồi, đủ đi thăm vườn, chở trái cây, mua chi thêm nữa vậy?

- Một chiếc để bơi vòng vòng qua nhà ông và xóm này khi ngập nước, một chiếc để gửi lên cho thằng Út.

- Gửi chi trời, người ta ở đô thị, ai đâu đi xuồng thím ơi, thím rảnh quá xá.

- Ở trên đó còn ngập hơn dưới mình nữa đó ông ơi, nó gửi clip về cho tui coi nè.

- Mèn đét ơi, ngập dữ tợn vậy sao, bà coi con đường nè, như cái sông chứ ai nghĩ đường đi mà thế này đâu.

- Đợt mưa bão này, khắp các đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long đều ngập, có chỗ ngập nhiều, chỗ ngập ít nhưng tình hình chung là tình trạng ngập lụt nặng hơn các năm trước.

- Ờ, coi tin tức thấy ngập quá trời, đường ngập thành sông hết trơn, có chỗ cho nghỉ làm, nghỉ học luôn.

- Có chỗ đó giờ chưa bao giờ ngập nhưng bây giờ ngập mút cà tha.

- Bởi vậy, thấy thực tế như bây giờ và cảnh báo của các nhà khoa học, thấy cũng ớn lạnh quá bà Tám, sợ một ngày nào đó chắc tui với bà tha hương luôn quá.

- Cảnh báo gì nghe ông nói thấy ghê vậy.

- Cảnh báo đồng bằng sông Cửu Long có thể bị “nhấn chìm” 90% diện tích vào năm 2100.

- Ai cảnh báo ghê vậy ông, đừng có hù tui nghe.

- Ủa, ai hù bà chi, mấy nhà nghiên cứu độc lập, có nhiều chuyên gia về tài nguyên, môi trường khí hậu trên thế giới đi cùng nữa mà. Theo các nhà nghiên cứu, phần lớn diện tích của đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng hơn 40.000km2, chỉ cao hơn mực nước biển chưa đầy 2m, do đó rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động của nước biển dâng, hoặc khi mưa bão thường xuyên.

- Người ta có nói nguyên nhân chính do đâu không vậy ông?

- Ngoài cái nguyên nhân chính đã nói là vùng này so với mặt nước biển, thêm vào đó các hoạt động như khai thác nước ngầm quá mức, khai thác cát không bền vững cùng với sự phát triển chóng mặt của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn đang đe dọa tương lai của miền Tây mình đây. Với lại còn nhiều nguyên nhân khác lắm, ngay chỗ sản xuất lúa thâm canh đã ngăn không cho phù sa màu mỡ về bồi tụ trên các cánh đồng cũng là một nguyên nhân được đề cập. Rồi chuyện quy hoạch đô thị không đến nơi đến chốn cũng là nguyên nhân gây ngập.

- Đúng đây là câu chuyện lớn, vượt ngoài tâm của một quốc gia như Việt Nam mình, đòi hỏi nhiều quốc gia sống ven sông Mekong phải hành động để cùng nhau không để vùng đất màu mỡ này bị “chìm” như cảnh báo.

- Miền Tây bị chìm đang hiện hữu rồi đó ông Tư, chỉ mong những giải pháp sớm được triển khai để giữ vùng này, vì đây là vựa lúa gạo, hải sản, nông sản của cả nước mà, “chìm” là nhiều hệ lụy lắm...

BÀ TÁM, ÔNG TƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>