Để chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được hiểu đúng, hiểu đủ

03/01/2018 | 08:07 GMT+7

Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) được coi là trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, nhằm mục đích chăm lo, bảo vệ con người và vì sự tiến bộ, công bằng xã hội. Vì vậy, ngành BHXH đã tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông, để mọi người hiểu hết ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT mà tự nguyện tham gia.

Quang cảnh Hội thảo “Đánh giá công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT năm 2017 và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền năm 2018”.

Đề cao vai trò của tuyên truyền, truyền thông

Mới đây, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra hội nghị tập huấn báo chí tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Tại hội nghị, ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó ban Chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cũng thông tin khái quát về những điểm thay đổi của chính sách BHXH theo luật BHXH Việt Nam 2014 để các cơ quan báo chí nắm rõ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong thời gian tới. Theo đó, Luật BHXH năm 2014 có 9 Chương với 125 Điều, có sửa đổi, bổ sung một số quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động cũng như người sử dụng lao động, tổ chức BHXH đồng thời bỏ một số quy định không còn phù hợp. Trong đó, có một số điểm đáng chú ý như từ năm 2018 người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hỗ trợ đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Người lao động được nhận lương hưu, trợ cấp BHXH theo các phương thức chi trả trực tiếp tại cơ quan BHXH thông qua các tổ chức dịch vụ, người sử dụng lao động hoặc tài khoản tiền gửi. Bổ sung nhiều quyền lợi về chế độ thai sản… Ngoài ra, lớp tập huấn còn giới thiệu những cải cách thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam nhằm giảm thời gian thực hiện và chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Nêu cao vai trò, trách nhiệm định hướng của báo chí trong công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT trong thời gian qua.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, cho biết: “Báo chí là kênh kiểm tra, giám sát việc thực thi BHXH, BHYT. Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã tuyên truyền phản ánh gương người tốt, việc tốt trong thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, kịp thời phê phán những hành vi tiêu cực, cố tình vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT góp phần hạn chế, ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT để bảo vệ quyền lợi của người lao động”. Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Nguyễn Khắc Lợi, việc định hướng, chỉ đạo và tuyên truyền về BHXH có những thời điểm chưa kịp thời, lượng thông tin chưa thật sự đầy đủ, sự kiện quan trọng, liên quan đến lĩnh vực BHXH chưa được phản ánh, một số tiêu cực trong thực thi chính sách BHXH, BHYT chưa được phát hiện phản ánh, số lượng tin bài về BHXH còn hạn ít...

Phối hợp hiệu quả, chất lượng

Tại Hậu Giang, thời gian qua, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT luôn được các cơ quan báo chí đẩy mạnh. Điển hình như Báo Hậu Giang và BHXH tỉnh đã có nhiều năm phối hợp tuyên truyền những thông tin về chính sách BHXH, BHYT. Phát biểu tại Hội thảo “Đánh giá công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT năm 2017 và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền năm 2018”, ông Hoàng Chí Nguyện, Phó phòng Văn hóa - Xã hội, Báo Hậu Giang, cho biết: “Thời gian qua, bên cạnh những thông tin về chính sách BHXH, BHYT, hoạt động của BHXH Việt Nam, BHXH từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, Báo Hậu Giang còn đăng tải nhiều thông tin liên quan đến các mô hình mới, thiết thực liên quan đến chính sách BHXH, BHYT như đối thoại với người dân, giao lưu trực tuyến trên trang tin điện tử của BHXH tỉnh, các hội thi tuyên truyền viên BHXH, BHYT, các chính sách hỗ trợ mua BHYT cho các đối tượng đoàn viên, hội viên, học sinh sinh viên và các đối tượng khác...”.

Ngoài tuyến tỉnh, đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố còn phối hợp với các cơ quan BHXH thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chính sách về BHXH, BHYT. Đã có hàng trăm tin, bài, chuyên mục, chuyên đề, đối thoại trực tiếp được đăng tải trên sóng phát thanh. Hình thức tuyên truyền được thể hiện phong phú, đa dạng, các thông tin tuyên truyền được thực hiện đảm bảo đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm. Số lượng tin, bài, phóng sự đáp ứng kịp thời nhu cầu tiếp nhận thông tin của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Chị Nguyễn Thị Hà, Phó đài Truyền thanh thị xã Long Mỹ, cho biết: “Vào thứ tư hàng tuần, đài có chuyên mục văn hóa xã hội, trong đó có nội dung về BHXH, BHYT. Với lĩnh vực này, chúng tôi thường tuyên truyền về các chính sách BHYT, BHXH, các đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kết quả vận động BHYT ở các địa phương… Đặc biệt, vào 2 tháng cao điểm là tháng 10 và tháng 11, hầu như ngày nào đài cũng có bài về BHXH, BHYT. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với ngành BHXH thực hiện tốt công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức người dân về BHXH, BHYT”.

Thời gian qua, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ban chỉ đạo BHYT toàn dân tại địa phương tổ chức các cuộc tuyên truyền đối thoại trực tiếp về Luật BHXH, BHYT với người dân, với các đơn vị doanh nghiệp,… Qua đó, đã thực hiện 148 cuộc, tại 58 xã với 8.984 người tham dự.

BHXH, BHYT là tiền đề trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần tích cực vào việc ổn định xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh… Chia sẻ thêm về điều này, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định BHXH, BHYT có vai trò vô cùng quan trọng là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Phát triển BHXH, là tiền đề để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, góp phần to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, ông đề nghị các cơ quan báo chí cần thông tin, tuyên truyền một cách đồng bộ, có trọng tâm, đa dạng về phương thức để phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác BHXH, BHYT, hướng đến mục tiêu năm 2020, đạt 100% người dân có BHYT.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích