Mưa và cá “lên”...

23/09/2020 | 08:45 GMT+7

Sau đợt hạn tháng bảy gay gắt, mấy ngày nay mưa dầm, cá “mát mình” lũ lượt kéo nhau từng đàn tìm mồi, sinh sản đợt hai (sau đợt một đầu mùa) làm nhiều người nhớ lại cảnh đua nhau bắt cá “lên” đầu mùa hơn chục năm về trước.

Hồi đó, sắp vào mùa mưa là đòi ba mẹ mua lờ, lọp, lưới, bộ câu cắm, câu thả, giỏ… để sau khi mưa lớn vài đám đầu mùa là ùa ra ruộng, rẫy bắt cá “lên”. Trước đó, nhóm anh em ở xóm 5-7 thằng rất tranh thủ ngày làm cho xong bộ ngư cụ (do đa số mua về là thô, phải ráp lại) rồi nhìn mây, trông mưa mỗi chiều.

Mấy cơn mưa đầu mùa chỉ mới giải nhiệt, xổ phèn, xả bụi rác trên bờ, liếp xuống kênh mương nên chưa có “cá mắm” gì, đợi sau đó mưa lớn vài đám thì cá “mát mình” đua nhau đón côn trùng rớt, chảy theo dòng nước mà ăn, lội “lên nguồn” mà đẻ, lúc đó, chờ tạnh mưa là anh em túa ra ruộng rẫy vườn giăng lưới, cắm câu, đặt lờ, lọp… Đây là lúc tha hồ bắt cá “lên”.

Cá “lên” không chỉ ở trên ruộng rẫy mà dưới kênh, rạch, sông cũng có đầy vào mùa này (cá chịu ở nơi nước sâu thì ít lên rẫy ruộng vườn). Vậy là các tay ghe lưới cũng được dịp giăng bắt… Cá “lên” làm xóm ấp rộn cả buổi chiều, sáng đèn về đêm và buồn vui lúc sáng sớm vì có người đầy giỏ cá, cũng có người ít...

Khoảng thời gian ấy, ruộng vườn đầy ắp cá, dễ kiếm cho những bữa ăn. Hồi đó, hễ cắm câu phía trước thì mấy cần câu phía sau có cá táp mồi; đặt chưa hết mấy cái lờ thì lờ phía sau rung rinh vì cá vô nhóc; thả tay lưới chục ngoài thước, chưa hết tay thì cá đâm vô loạn xạ, ham lắm!

Cũng vì vậy mà tụi thằng Thẩm, thằng Tiếp, thằng Khanh đua nhau giành chỗ cắm câu, giăng lưới, đặt lờ khi hoàng hôn chưa xuống, trời còn “sớm bửng”. Đó là tụi nó đi đến chỗ cần giăng lưới thì bỏ tay lưới ở đó, phóng cần câu vô chỗ cần cắm… chờ 5-6 giờ chiều mới giăng, cắm. Vậy là giành lộn um sùm… Sáng hôm sau, thằng nào cũng nhóc giỏ cá, rồi lại về chung đường, ca hát nghêu ngao từ đầu hậu vô tới trong nhà.

Những cơn mưa đầu mùa làm cho tuổi thơ tụi nhỏ ở quê thêm dữ dội… Rồi cũng qua khi “tám hướng bốn phương trời mây” ai nấy mưu sinh khắp chốn. Nhìn những cơn mưa dầm, thấy cá lốc lên bờ, ra chợ thấy rổ cá “lên” mà trông nhớ quê nhà.

Hôm hổm được về lại tuổi ấu thơ, bơi ghe cho ông anh thăm lưới, câu khi mưa tạnh, cá “mắm” bây giờ ít hơn hồi đó, giăng lưới cả đêm, cắm cả trăm câu cũng được một mớ cá lóc, cá dầy; lờ, lọp thì cũng lặng hăm, không dậy lên rô rô như thuở nào.

Ông anh nói bây giờ như vậy đó, kiếm đủ bữa ăn là mừng, qua đợt cá “lên”, muốn có nhiều phải luồn vô mấy mương sâu, chỗ kín, bít mới có cá ở, không thì ít lắm.

- Sao dạ?

- Người ta nhử cá, lươn bằng mồi thuốc, bắt hết; rồi có người lén xuyệt điện tận diệt nữa.

- Họ làm sao vô rẫy ruộng được?

- Được hết trơn, họ đi xuồng nhỏ, lén kéo băng qua các liếp mía, khóm, vườn cây ăn trái lúc nửa đêm mà bắt; đêm hôm ai đâu mà canh đất mình.

Vậy là cá, lươn, rùa, rắn nào mà còn!

Đó không phải mới đây mà cũng lâu lâu rồi khi đất nhà, xứ nhà hết thủy sản là người chuyên sống bằng nghề… “bà cậu” mở rộng địa bàn; gần thì họ bơi, chèo ghe, xa thì xuồng máy, chiều xuống là họ hành nghề, khuya, rạng sáng về chợ cân bán. Cứ thế, nơi nào còn nguồn lợi thủy sản là những tay ấy tiếp cận bắt bằng mồi thuốc hay xuyệt điện.

Cấm và xử phạt ư? Cũng có đó nhưng họ rày đây mai đó thì quản sao? Họ lén xuyệt lúc nửa đêm không dùng đèn pha sao mà thấy? Ban dân chánh địa phương cũng có ra quân vận động nộp xuyệt điện, thu được kết quả nhưng không sao hết được khi đâu đó vẫn nghe, thấy người dân cầm vợt “chích cá”; thuốc nhử cá, lươn, rắn thì bán đầy ở tiệm thuốc bắc...

Cá “lên” hồi đó nhộn nhịp sớm chiều, mưa lạnh cũng liều mình đi bắt; xách bó câu, tay lưới lên đi là về có bữa ăn ngon; mùa cá “lên” hồi đó, thanh thiếu niên hú hí rộn cả đồng quê, khoe nhau cá bự, lươn dà... Cá “lên” bây giờ ruộng đồng hanh vắng, cá “mắm” loe hoe, bữa trúng bữa thất.

Tận khai, tận diệt cá làm nguồn lợi thủy sản ít đi thấy rõ, làm cho mùa cá “lên” bây giờ khác xưa. Thanh thiếu niên cũng không còn như trước, họ lo học hành, đi đây đó làm ăn hay chăm chăm vào cái điện thoại tìm kiếm gì đó ở nơi xa...

Hình như mất rồi “mùi vị” mùa cá “lên”!

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>