Quảng bá sản phẩm địa phương nhờ công nghệ số

18/09/2024 | 07:34 GMT+7

Từ lợi ích việc bán hàng qua các nền tảng số, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh chú trọng gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường qua các kênh bán hàng trực tuyến.

Chị Trần Hồng Nhiên, ở ấp 2A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, quảng bá sản phẩm cà phê dừa trong một phiên livestream trong không gian dân dã.

Tận dụng lợi thế công nghệ

Không cần phải đợi người mua hàng đến tận ruộng hay cửa hàng để kiểm tra chất lượng sản phẩm, sản phẩm gạo ngon HT Vị Thủy của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vị Thủy 1 (huyện Vị Thủy) có thể đến tay người tiêu dùng thông qua hình thức trực tuyến. Chỉ cần vào tìm kiếm trên zalo, facebook hoặc quét mã QR Code… là khách hàng có thể kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, thành phần của sản phẩm, đồng thời có thể kiểm tra hình ảnh trực tiếp qua video clip được giới thiệu. Từ đó, người tiêu dùng chỉ cần đặt hàng theo số lượng, sẽ được vận chuyển đến tận nơi.

Ông Nguyễn Thanh Điều, thành viên HTX, cho biết: Không chỉ giới thiệu, bán sản phẩm qua các kênh truyền thống tại các đại lý, việc áp dụng nền tảng công nghệ số như đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tự xây dựng các trang quảng cáo qua zalo, facebook… giúp HTX và các hộ kinh doanh dễ dàng đưa sản phẩm ra thị trường với đầy đủ thông tin minh bạch, giúp người mua tìm kiếm, tiếp cận nhanh hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Được xem là một trong những cơ sở đi đầu trong xu hướng tiếp cận và bán hàng trên nền tảng mạng xã hội khá thành công tại huyện Châu Thành A, sản phẩm cà phê dừa của chị Trần Hồng Nhiên, ở ấp 2A, xã Tân Hòa có một chỗ đứng nhất định trên TikTok shop, sàn thương mại điện tử Shopee. Theo chị Nhiên, để bán hàng trên nền tảng TikTok shop, phải học hỏi nhiều kỹ năng. Trong đó, cần biết tạo tài khoản, đưa sản phẩm lên gian hàng. Người bán hàng cũng cần biết cách theo dõi đơn hàng, cách chụp ảnh, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm, cách thức gói bọc, vận chuyển sản phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng…

“Sản phẩm cà phê dừa của cơ sở chủ yếu bán trực tuyến, tập trung qua TikTok, gần đây xuất hiện trên sàn thương mại điện tử Shopee. Hồi mới bắt đầu bán, tôi dành thời gian đều đặn mỗi ngày 2 giờ đồng hồ để livestream bán sản phẩm, giờ thời gian livestream tăng lên 3 tiếng. Bán hàng thông qua nền tảng số, cơ sở không chỉ cung cấp thông tin về sản phẩm mà còn trực tiếp nhận được ý kiến phản hồi của người tiêu dùng về sản phẩm, từ đó rút kinh nghiệm, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng”, chị Nhiên hồ hởi.

Cơ hội lớn để đưa sản phẩm đi xa

Đối với Cơ sở sản xuất trà Phụng Phát, ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, nếu không có các kênh bán hàng online trên zalo, facebook, TikTok, Shopee… sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, ngoài chục công vườn trồng mãng cầu trực tiếp sản xuất, cơ sở còn liên kết, thu mua và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nhiều hộ dân trồng mãng cầu xiêm trên địa bàn huyện Long Mỹ.

Chị Lê Kim Phụng Em, chủ cơ sở, thông tin: “Sau nhiều đợt tập huấn về chuyển đổi số cơ sở đã tìm hiểu, lựa chọn phát triển phân phối sản phẩm qua các nền tảng số. Từ năm 2022 việc tiêu thụ sản phẩm trực tuyến phát triển ổn định, thuận lợi giúp cơ sở đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và giảm các chi phí như lao động, nhà phân phối, đại lý... Từ đó lợi nhuận từ các khâu sản xuất tăng 10-20% so với tiêu thụ truyền thống”.

Cơ sở sản xuất trà Phụng Phát đã có kênh phân phối trên trang thương mại điện tử Shopee và các kênh tiêu thụ trên nền tảng mạng xã hội facebook, TikTok, zalo... thu hút từ vài trăm đến hàng nghìn lượt theo dõi, giúp lượng đơn hàng tiêu thụ hàng trăm đơn hàng/tháng.

Hiện chưa có thống kê chính thức về số lượng người dân, cơ sở sử dụng đa dạng nền tảng công nghệ, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, nhưng con số này chắc chắn không hề ít.

Trao đổi với chủ các cơ sở, việc bán hàng qua các nền tảng số được đánh giá thuận lợi hơn so với bán hàng trực tiếp theo hình thức truyền thống. Người bán hàng có thể chủ động đơn hàng và có thêm nhiều khách hàng mới. Tuy nhiên, bán hàng bằng hình thức này yêu cầu cơ sở phải chủ động nguồn nhân lực để thực hiện các khâu đóng gói, vận chuyển và cam kết với đơn vị giao hàng vận chuyển đúng thời gian quy định.

Thực tế cho thấy việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử nói chung và mạng xã hội nói riêng vẫn còn những khó khăn đối với các chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Bởi đa phần người sản xuất là nông dân, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế; trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; nguồn nhân lực để vận hành kênh bán hàng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; công tác đóng gói, bảo quản, vận chuyển một số sản phẩm chưa đảm bảo...

Tuy nhiên, việc chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội là hướng đi đúng đắn trong kinh doanh hiện nay với nhiều ưu điểm vượt, nhanh, dễ tiếp cận với sản phẩm, không mất phí quảng cáo và quan trọng nhất là đối tượng khách hàng được mở rộng.

AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>