Chuyển biến từ công tác cán bộ

23/11/2017 | 06:54 GMT+7

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hậu Giang đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo về số lượng, tăng về chất lượng, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ vừa được Tỉnh ủy tổ chức.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một trong những thành tựu lớn nhất của công tác cán bộ thời gian qua chính là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh có chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu. Qua đó, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất chính trị để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển biến mạnh mẽ

Sau khi Nghị quyết Trung ương 3 ra đời, các cấp ủy trong tỉnh đã ban hành chương trình hành động để thực hiện, đồng thời triển khai quán triệt nghị quyết một cách sâu rộng trong toàn đảng bộ. Qua sự chỉ đạo quyết liệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được các cấp ủy quan tâm; trên cơ sở quy hoạch cán bộ, cấp ủy các cấp đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng - an ninh; thời gian đào tạo gắn với chính sách cán bộ bảo đảm thu hút nguồn nhân lực về tỉnh công tác với tổng kinh phí hàng trăm tỉ đồng.

 Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nội vụ, cho rằng: “Điều này xuất phát từ yêu cầu của mối quan hệ giữa chiến lược cán bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, hơn 10 năm qua, toàn tỉnh đã đưa 8.615 cán bộ đi đào tạo về lý luận chính trị ở các trình độ trung cấp, cao cấp và cử nhân; 11.978 cán bộ được đào tạo về chuyên môn ở trình độ đại học, đồng thời đẩy mạnh đào tạo sau đại học trên 70 cán bộ. Ngoài ra, đã có hàng chục ngàn lượt cán bộ các cấp được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ”.

 Kết quả đào tạo, bồi dưỡng thời gian qua ở tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đến nay đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể và doanh nghiệp nhà nước cấp tỉnh có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 65%; trình độ lý luận chính trị trung, cao cấp là trên 44%.

Ông Sầm Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, nói: “Việc đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ đúng đối tượng, sát nhu cầu thực tiễn đã khắc phục được tình trạng bổ nhiệm trước đào tạo sau. Nhờ đó, chất lượng cán bộ ngày càng được nâng lên”.

Bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì công tác đánh giá cán bộ cũng là một trong những khâu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt.

Kết quả đánh giá cán bộ là cơ sở để xem xét quyết định về công tác cán bộ. Qua đánh giá, giúp cho cán bộ phát huy được những ưu điểm, khắc phục được khuyết điểm của bản thân để từ đó có kế hoạch, biện pháp sửa chữa. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ được thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy trình gắn với tự phê bình và phê bình, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ.

Đối với Hậu Giang, nhìn chung các cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã nắm rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong đánh giá, duy trì thường xuyên, có nề nếp đánh giá cán bộ trước khi giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại… Điểm mới trong công tác đánh giá cán bộ của tỉnh đó là lấy tiêu chuẩn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân với thành tích của tập thể đơn vị, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo thuộc diện Tỉnh ủy quản lý, do đó về cơ bản khắc phục được tình trạng nể nang trong đánh giá.

Nhiều chủ trương, cách làm mới

 Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về công tác cán bộ giai đoạn 2015-2020, qua đó chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng và điều chỉnh bổ sung quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ, các chức danh chủ chốt của tỉnh, huyện. Đồng thời, phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2015-2020” với mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch có trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn theo quy định; 100% cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị trung cấp trở lên, đào tạo 70 lượt cán bộ có trình độ trung, cao cấp chính trị…

Ngoài ra, đối với chủ trương thí điểm nhất thể hóa một số tổ chức và chức danh lãnh đạo đảng, chính quyền ở cấp xã, huyện, tỉnh, Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành kế hoạch về việc chọn 3 đảng bộ xã, thị trấn là xã Tân Tiến, xã Vị Thủy và xã Lương Tâm để thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã. 

Đánh giá về kết quả thí điểm này, Bí thư Thành ủy thành phố Vị Thanh Võ Minh Tâm cho rằng: “Bên cạnh những mặt hạn chế trong quá trình thí điểm do trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, thì việc thí điểm đã thể hiện đúng tinh thần đổi mới, tinh giảm bộ máy theo chủ trương của Đảng. Do đó, thời gian tới, chúng ta có thể mạnh dạn đề nghị nên áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương hơn nữa để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động giữa các đơn vị”.

Nhìn lại công tác cán bộ thời gian qua cho thấy, việc thực hiện tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ở cả 3 cấp đã góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tạo ra sự chuyển biến đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nhất là củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ở Hậu Giang vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Như một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ và chưa nắm vững nội dung, quan điểm, chủ trương, nguyên tắc,… nên công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ đạt chất lượng chưa cao. Một số địa phương và ngành có xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhưng chưa mang tầm chiến lược, chưa đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận lâu dài… dẫn đến sự hẫng hụt về cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ, công chức cấp xã…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh, để thực hiện tốt hơn công tác cán bộ thời gian tới, trên cơ sở rà soát, bổ sung quy hoạch, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, thị ủy và lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Phấn đấu đến năm 2020, đội ngũ cán bộ trong toàn tỉnh cơ bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền cần nâng cao hơn nữa công tác quy hoạch, bảo đảm sự chủ động, có tầm nhìn dài hạn ở tất cả các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt cấp tỉnh. Tiến hành đổi mới công tác tuyển chọn bố trí và sử dụng cán bộ, bổ nhiệm cán bộ, chọn đúng người, bố trí đúng việc với phương châm: Có lên, có xuống, có vào, có ra.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>