Chuyện cán bộ không chuyên trách nghỉ việc: Thực trạng và giải pháp

06/10/2017 | 07:18 GMT+7

Bài 2: Nhiều hệ lụy cho hệ thống chính trị ở cơ sở

Chưa có tiền lệ là trăn trở của nhiều người khi nói về tình trạng cán bộ không chuyên trách nghỉ việc nhiều như hiện nay. Điều này đã trở thành nỗi lo chung cho chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.

Mới nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Đoàn cơ sở thị trấn Kinh Cùng từ tháng 7 năm nay, anh Nguyễn Hoài Phong gặp không ít bỡ ngỡ.

Trước hết là áp lực để tìm người thay thế những cán bộ nghỉ việc, kéo theo hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở cũng bị ảnh hưởng ít nhiều…

Vòng luẩn quẩn “ra - vào”

Đầu năm nay, Công an xã Vị Thắng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động khi có 3 công an viên xin nghỉ việc cùng lúc. “Lực lượng công an xã chỉ có 7 người mà 3 người xin nghỉ như thế khiến nhân sự bị thiếu hụt, áp lực công việc nặng nề hơn”, anh Lê Hồng Tân, Trưởng Công an xã Vị Thắng, bộc bạch.

Thời điểm đó, anh Tân phải vất vả “lặn lội” xuống các ấp, thậm chí qua các xã lân cận để tìm người thay thế. “Khi tôi thuyết phục thì một số người gật đầu đồng ý nhưng khi biết phụ cấp thấp thì họ… phớt lờ”, anh Tân nhớ lại.

Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng Công an xã Vị Thắng cũng tuyển được 3 người, nhưng để “lính mới” thực hiện thuần thục nhiệm vụ thì phải mất thời gian bồi dưỡng, rèn luyện hơn 1 năm. Cho nên tâm trạng anh Tân luôn lo lắng và hy vọng đừng có thêm công an viên nào xin nghỉ việc. Bởi nếu vòng luẩn quẩn “ra - vào” tiếp diễn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của đơn vị.

Điều anh Tân lo lắng không hẳn không có cơ sở, bởi thực tế đó đã diễn ra ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A. Một vị lãnh đạo thị trấn này cho biết, khi cán bộ phụ trách nhiệm vụ phó chủ tịch hội chữ thập đỏ xin nghỉ việc thì thị trấn tìm người thay thế, nhưng chỉ được vài tháng thì người mới cũng xin nghỉ. Thế là lãnh đạo thị trấn lại tiếp tục tuyển người cho vị trí này với tâm lý bất an…

Ở góc độ khác, theo Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phụng Hiệp Nguyễn Hoàng Gia, dù tìm được người thay thế cho cán bộ xin nghỉ việc nhưng chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở cũng sẽ ảnh hưởng. “Người mới cần có thời gian tiếp cận công việc nên mức độ hoàn thành nhiệm vụ bước đầu sẽ chưa cao”, ông Gia cho biết.

Vào đầu năm nay, Phó Bí thư Đoàn cơ sở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp xin nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Anh Nguyễn Hoài Phong được Đảng ủy, UBND thị trấn giao cho thay thế nhiệm vụ của người tiền nhiệm. Vốn là cán bộ quản lý nhà văn hóa và đài truyền thanh nên khi nhận nhiệm vụ mới, anh Phong gặp không ít bỡ ngỡ. Chưa kể là ngoài vai trò Phó Bí thư Đoàn cơ sở, anh còn nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Đội và Hội Liên hiệp Thanh niên thị trấn.

Anh Phong chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng thường tham gia phong trào đoàn nhưng khi làm cán bộ đoàn thì nhiều thứ khá xa lạ nên muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì cần thêm thời gian để học hỏi, phấn đấu”.

Có thể thấy, việc cán bộ không chuyên trách nghỉ việc nhiều đang gây ra sự xáo trộn về cán bộ, kéo theo hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở bị giảm đi ít nhiều.

Có dấu hiệu tăng

Đó là đánh giá của nhiều người trước diễn biến của tình trạng cán bộ không chuyên trách nghỉ việc thời gian qua. Chỉ tính riêng thời gian từ ngày 31-3 đến ngày 31-7 năm nay, toàn tỉnh đã có tới 260 người xin nghỉ việc (979 cán bộ bán chuyên trách xin nghỉ việc được thống kê từ năm 2016).

Nếu như trong năm 2016, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A chỉ có 3 cán bộ không chuyên trách ở ấp và thị trấn xin nghỉ việc thì chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có thêm 7 trường hợp. Và chưa lấy gì đảm bảo con số này dừng lại.

Công tác tại thị trấn hơn 10 năm, nhưng anh V.P.N. vẫn là cán bộ không chuyên trách với đồng lương ít ỏi hơn 1 triệu đồng/tháng. Anh N. cố gắng bám víu công việc hiện tại với mong muốn một ngày nào đó sẽ trở thành cán bộ chuyên trách. Nhưng anh cũng hiểu điều đó sẽ khó khăn vì Nhà nước đang tinh giản biên chế. “Nếu vài năm nữa vẫn mang… danh phận cán bộ không chuyên trách thì tôi sẽ xin nghỉ việc, vì tiền phụ cấp hiện nay không đủ sống”, anh N. nói.

Một cán bộ không chuyên trách công tác tại Đảng ủy xã Vị Trung, huyện Vị Thủy cũng chia sẻ rằng, mới đây anh có ý định xin nghỉ nhưng được đồng nghiệp động viên nên chưa đành lòng nhưng ý định đó chưa tắt hẳn. Anh tâm sự rằng, nếu mức phụ cấp dành cho cán bộ không chuyên trách không cải thiện thì anh sẽ xin nghỉ về nhà phát triển kinh tế gia đình.

Có lẽ đâu đó trên địa bàn tỉnh vẫn còn những cán bộ không chuyên trách có ý định xin nghỉ việc. Không ít người lo ngại rằng, tình trạng này không phải là “hiện tượng” nhất thời mà có thể trở thành một vấn đề lâu dài cần có hướng giải quyết đối với công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Tìm giải pháp khả thi để giải quyết tình trạng này đang là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra đối với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh hiện nay.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

--------

Bài 3: Đâu là giải pháp khả thi ?

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>