Hậu Giang mở mang đô thị

17/08/2022 | 10:31 GMT+7

Hậu Giang đã tổ chức thành công Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển lĩnh vực đô thị năm 2022”. Hoạt động góp phần cụ thể định hướng phát triển đô thị của tỉnh theo Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thu hút đầu tư vào lĩnh vực đô thị hướng tới xây dựng một “Hậu Giang xanh”.

Bài 1: Đô thị Hậu Giang đang vươn mình phát triển

Hậu Giang đang vươn mình phát triển theo hướng đô thị thông minh, bền vững, tăng trưởng xanh. Tỷ lệ đô thị hóa hiện trên 28%, tăng gần gấp đôi so với lúc mới thành lập, trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.

Diện mạo thị xã Long Mỹ đang từng ngày khởi sắc, khang trang, sạch đẹp.

Hội tụ và phát triển

Hậu Giang là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, đây cũng là ngành chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Bên cạnh nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công rẻ, tỉnh còn tận dụng để phát triển công nghiệp chế biến.

Bên cạnh đó, nhờ ở vị trí trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu, hệ thống giao thông nội tỉnh đang dần hoàn thiện, nhiều tuyến quốc lộ đi qua và sắp tới sẽ có khoảng 100km đường bộ cao tốc gồm Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh.

Một thế mạnh khác của tỉnh là quỹ đất sạch nhiều. Khi đến đầu tư, ngoài ưu đãi, các doanh nghiệp còn có thể tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thành phố Cần Thơ phát triển bất động sản công nghiệp, đô thị và logistics.

Tập đoàn Sao Mai đang đầu tư tại Hậu Giang. Đại diện đơn vị cho biết đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục để sớm khởi công một số dự án phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh như: Dự án Khu đô thị mới Sao Mai phường III, thành phố Vị Thanh, quy mô 46ha; dự án Khu đô thị mới Sao Mai đường Võ Nguyên Giáp phường IV, thành phố Vị Thanh, quy mô 6ha; dự án Khu dân cư phục vụ Khu công nghiệp Nhơn Nghĩa A, tại huyện Châu Thành A, quy mô 357ha,... Và nhiều dự án thuộc các lĩnh vực khác như công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, thủy sản và du lịch với tổng mức đầu tư lên đến 30.000 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai, nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn cùng các doanh nghiệp về Hậu Giang để hội tụ và phát triển vùng đất hiền hòa này. Để các tỉnh phát triển, tôi đề xuất bộ, ngành Trung ương nghiên cứu thể chế làm sao cho hài hòa. Khi thể chế rõ ràng rồi, không cần kêu gọi thì tất cả doanh nghiệp cũng sẽ hăng hái tham gia đầu tư”.

Đồng quan điểm trên, ông Phan Minh Toàn Thư, Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc (gọi tắt là KBC), chia sẻ là rất may mắn được UBND tỉnh Hậu Giang cho tiếp cận nghiên cứu các khu công nghiệp, khu đô thị quy hoạch mới như Khu công nghiệp Sông Hậu giai đoạn 2, giai đoạn 3, khu dân cư - tái định cư cho Khu công nghiệp giai đoạn 2 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030.

“Chúng tôi cam kết thực hiện đúng tiến độ dự án, hoàn tất 2 dự án khu công nghiệp, khu dân cư tích hợp vào quy hoạch chung và các định hướng thu hút đầu tư của tỉnh khi dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật”, ông Phan Minh Toàn Thư nhấn mạnh.

Về phần mình, ông Phan Minh Toàn Thư kiến nghị tỉnh nên tập trung ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng đến chân hàng rào dự án khu đô thị công nghiệp, hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đảm bảo và nguồn quỹ cho vay ưu đãi cho công nhân thuê, mua nhà ở công nhân, nhà ở xã hội tạo điều kiện cho công nhân gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp khu công nghiệp.

Lợi thế khác biệt

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã và đang thực hiện nhiều biện pháp như đổi mới công tác quản lý, tiếp thị, tiếp cận khách hàng, việc tìm hiểu nhu cầu từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Việc làm này đã làm cho tổng dư nợ cho vay của các doanh nghiệp tăng nhanh trong các năm qua.

Tính đến tháng 5-2022, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 32.313 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực công nghiệp và xây dựng 14.855 tỉ đồng, chiếm 45,97% tổng dư nợ; lĩnh vực thương mại và dịch vụ 9.181 tỉ đồng, chiếm 28,41% tổng dư nợ, lĩnh vực nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 của Chính phủ 31,17 tỉ đồng… Toàn địa bàn có 610 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với dự nợ 9.452 tỉ đồng, chiếm 29,25% tổng dư nợ. Có thể nói, sự tham gia hỗ trợ vốn của các tổ chức tín dụng đã cho thấy tiềm năng và khuynh hướng đầu tư mang lại hiệu quả trên toàn địa bàn.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông. Khi đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hình thành thì Hậu Giang sẽ là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư quan tâm lĩnh vực phát triển đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… Khi đó, các đô thị và khu vực lân cận đường cao tốc như: Châu Thành, Ngã Bảy, Vị Thanh, Long Mỹ, Phụng Hiệp sẽ có nhiều tiềm năng phát triển khu dân cư, khu du lịch sinh thái…

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển đô thị còn hạn chế, chủ trương của lãnh đạo tỉnh là tận dụng tiềm năng, lợi thế và tài nguyên để đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng, quy mô các đô thị thông qua thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư. Đây được đánh giá là chủ trương đúng đắn, kịp thời phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu của thị trường bất động sản tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khẳng định: Tất cả các nhà đầu tư đến Hậu Giang đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận ưu đãi, nguồn vốn. Tỉnh định kỳ tổ chức đối thoại doanh nghiệp, cà phê doanh nhân, họp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Tỉnh cũng công khai minh bạch các chương trình, dự án tất cả các lĩnh vực; các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận.

Theo định hướng phát triển đô thị thời gian tới, Hậu Giang xác định “Xây dựng kết cấu hạ tầng các đô thị đồng bộ, theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị thông minh, đảm bảo tính bền vững, tạo ra dòng tiền dương để tái đầu tư phát triển”, với tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 là tối thiểu đạt 32%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 35%.

 

Bài, ảnh: NGUYÊN TOÀN

------------------------

Bài 2: Phát triển đô thị kết hợp du lịch

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>