Những công trình tiền tỉ bỏ hoang

23/08/2017 | 07:37 GMT+7

Phòng chống tham nhũng, lãng phí luôn được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy đảng và chính quyền. Tuy nhiên, trong khi tham nhũng được tập trung giải quyết thì vấn đề chống lãng phí còn chưa được nhìn nhận, đánh giá, xử lý rốt ráo, đúng mức.

Chợ đầu mối trái cây Sơn Định xây dựng nhiều năm nay nhưng chưa thể hoạt động.

Nổi bật trong việc lãng phí phải kể đến các công trình, dự án được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước, thậm chí vốn ODA không phát huy hiệu quả, bỏ hoang hoặc hoàn thành lại rơi vào cảnh “nhiều không”. Dù đã được đưa ra mổ xẻ tại rất nhiều cuộc họp quan trọng, nhưng cuộc đại phẫu những “khối u” ngàn tỉ này thật sự không dễ dàng.

Đầu tư không hoàn chỉnh

Dù chưa có một thống kê cụ thể nào về số lượng công trình, dự án tiền tỉ bị bỏ hoang, nhưng hiện tại rất nhiều địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp phải tình trạng dự án được cấp phép mãi không làm; lô đất giải phóng mặt bằng bao nhiêu năm không triển khai; công trình xây dựng xong chất lượng kém... Buồn hơn khi nhiều công trình, dự án rất cần thiết đối với người dân nhưng khi xây dựng xong lại nằm phơi sương, dãi nắng vì đầu tư không đồng nhất.

Minh chứng cụ thể như Khu dân cư Thiên Long, tại phường V, thành phố Bạc Liêu, được hình thành từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Đây là dự án được Chính phủ cho áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù phát triển nhà ở là loại nhà trệt liền kề dành cho người thu nhập thấp đầu tiên tại Bạc Liêu, trước khi có chủ trương nhà ở xã hội. Theo kế hoạch dự án này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, đến nay dự án đã trễ gần 4 năm, nhưng Công ty Thiên Long mới bán 695 căn nhà cho các hộ dân, còn lại chưa hoàn thành. Điều đáng nói, trong số nhà đã bán chỉ có 290 căn có giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người dân, còn lại 405 căn người dân vào ở đã lâu nhưng chưa nhận được giấy tờ đất. Hiện tại, người dân còn phải sống trong cảnh “nhiều không”: không đường, không điện, không nước, không giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không hệ thống thoát nước...

Còn tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, công trình Chợ đầu mối trái cây Sơn Định, thuộc xã Sơn Định được đầu tư xây dựng trên 12 tỉ đồng cũng “cửa đóng then cài” bởi không người vào mua bán hơn 1 năm qua. Ông Võ Thanh Toàn, Trưởng ấp Thới Lộc, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, cho biết: “Ở đây, người ta chuyên trồng cây ăn trái, thấy chợ xây dựng lên ai cũng vui vì nghĩ rằng giao thương, mua bán sẽ thuận lợi hơn. Không ngờ chợ thiết kế với đầy đủ hệ thống như: nhà sơ chế đóng gói, sân tập kết sản phẩm, hệ thống cấp thoát nước, công trình giao thông vận chuyển, kè bảo vệ, hệ thống thu gom và xử lý rác thải, hệ thống kho lạnh, kho mát… lại không có đường dẫn vào. Xây dựng như vậy thì ai mà vô mua bán nữa”.

Tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, người dân cũng vô cùng bức xúc vì Trường Mẫu giáo xã Tân Thạnh, thuộc xã Tân Thạnh vừa xây xong đã sửa chữa lớn nhưng vẫn tiếp tục sụp lún nền và nứt tường. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quang Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã Tân Châu thừa nhận, điểm Trường Mẫu giáo Tân Thạnh được xây dựng lần đầu vào năm 2003 theo thiết kế bê tông, cốt thép. Nhưng chỉ sau một thời gian sử dụng, trường đã xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 2009, phòng đã đầu tư kinh phí để sửa chữa nhưng do địa phương là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt nên mau hư hỏng”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đầu tư không chú trọng chất lượng và tính hiệu quả mà chỉ quan tâm hình thức, phô trương. Sâu xa hơn là do buông lỏng trong quản lý, giám sát, phê duyệt các công trình, dự án. Hầu như chưa có cá nhân, tổ chức nào bị xử lý pháp luật vì tham mưu, đề xuất, phê duyệt, quyết định đầu tư công trình gây lãng phí, thậm chí họ hoàn toàn vô can nếu xảy ra sai phạm, không hiệu quả. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả vượt ra ngoài chuyện tiền bạc, chuyện ngân sách mà còn gây nên “hội chứng mất lòng tin”.

Xử lý nghiêm minh

Thực tế cho thấy, để phòng chống tham nhũng, lãng phí từ những công trình, dự án tiền tỉ là một cuộc chiến dài hơi. Khi mà các địa phương vẫn còn tư duy theo kiểu “bình sữa ngân sách” không bao giờ cạn thì câu chuyện lãng phí đầu tư công chưa thể chấm dứt. Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn tình trạng lãng phí, bên cạnh cần kiểm soát chặt chẽ nguồn chi ngân sách thì việc xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức trong việc tham mưu, đề xuất và phê duyệt, quyết định đầu tư các công trình là rất quan trọng. Bởi thực tế, trước mỗi lần quyết định đầu tư, duyệt chi ngân sách, địa phương nào cũng khẳng định dự án của địa phương mình là quan trọng, là cần thiết. Những lô đất vàng bị “xà xẻo”, những công trình phung phí, hoang hóa đều có địa chỉ, có hồ sơ rõ ràng nhưng không có địa phương nào đứng ra nhận trách nhiệm.

TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho rằng, gốc gác của việc lãng phí ngân sách nằm ở cơ chế đầu tư và phê duyệt dự án. Từ trước đến giờ, việc phê duyệt dự án chỉ phụ thuộc vào ý nghĩa riêng của dự án đó, chứ chưa nằm trong tổng thể quốc gia. “Để giải quyết được vấn nạn lãng phí đối với những công trình, dự án nào thật sự cần thiết mới phê duyệt chủ trương đầu tư, đối với các công trình chưa đánh giá đầy đủ về tính khả thi hoặc có thể không hiệu quả, lãng phí thì tuyệt đối không triển khai. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm đối với các hành vi như đầu tư dàn trải, không hiệu quả gây lãng phí”, ông Dũng ý kiến.

Ở góc độ người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các công trình, dự án chậm thi công, ông Nguyễn Thanh Liêm, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, cho rằng: “Cần phải xử lý nghiêm minh đối với các hành vi trực tiếp gây ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư sai, kém hiệu quả, gây lãng phí... Nếu nhẹ có thể xử lý kỷ luật, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Có như vậy, mới ngăn chặn được tình trạng những người có thẩm quyền cứ vô tư phê duyệt, quyết định đầu tư xây dựng công trình, dự án dù biết chắc là không khả thi và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, sự phát triển của đất nước”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam mỗi một dự án thì chúng ta cần phải giao trách nhiệm cho chủ đầu tư, cho đơn vị chủ quản là phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu phát hiện sai phạm. Ngoài ra, phải chỉ ra được trên thực tế có bao nhiêu dự án hoạt động không hiệu quả, bao nhiêu dự án sử dụng vốn Nhà nước bị thua lỗ, bao nhiêu dự án gây thất thoát, lãng phí, bao nhiêu dự án cần đề nghị điều tra, truy tố... Có như vậy thì mới quy được trách nhiệm và khắc phục được vấn đề không lặp lại trong tương lai.

Chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, thành xu thế, không ai có thể đứng ngoài cuộc… Quyết tâm trong chỉ đạo là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là sự quyết tâm trong hành động. Người dân mong chờ các cấp, các ngành sẽ có sự quyết liệt trong từng việc làm như những gì đã nói để ngân sách được tiết kiệm và đầu tư cho những công trình thật sự có lợi cho dân.

Bài, ảnh: THÚY AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>