Chủ động phát hiện sớm ca bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập

16/09/2024 | 19:00 GMT+7

Tại Hậu Giang, đã ghi nhận 1 ca bệnh xâm nhập vào thời điểm đầu năm nay. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về dịch bệnh này, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Văn Chúc (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhận định: “Do hiện nay đi lại, giao thương thuận tiện, nên nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục xâm nhập ở tỉnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Ngành y tế sẽ chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch đậu mùa khỉ như thế nào, thưa bác sĩ ?           

- UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh. Trong công văn đặc biệt lưu ý khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh. Chúng tôi cũng khuyến cáo người về từ vùng dịch nên chủ động khai báo. 

Riêng ngành y tế sẽ tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cộng đồng và giám sát chủ động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Lưu ý lồng ghép giám sát dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS. Chúng tôi sẽ theo dõi, phân tích, đánh giá chặt chẽ tình hình dịch đậu mùa khỉ tại địa phương để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh.

Phối hợp với các đơn vị truyền thông tăng cường thông tin, truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong đó, tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Người dân cần làm gì để phòng lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, thưa bác sĩ ?

- Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các đồ dùng, vật dụng nhiễm mầm bệnh của người, động vật mắc bệnh. Bệnh có các biểu hiện tương tự bệnh đậu mùa như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban, mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng, hoặc bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần nhưng có thể gây tổn thương da toàn thân hoặc có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc suy giảm miễn dịch.

Để phòng lây nhiễm bệnh, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn, vật dụng của người hoặc động vật nhiễm bệnh. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường. Che miệng mũi khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Trường hợp nghi ngờ hoặc bị mắc bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh cần lưu ý gì khi tự chăm sóc tự cách ly tại nhà, thưa bác sĩ ?

- Người nghi ngờ mắc bệnh cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời. Người bệnh cần ở nhà và cách ly tại phòng riêng. Cần chú ý giữ nốt phát ban khô và thoáng. Không nặn nốt phát ban. Rửa sạch tay trước và sau khi chạm vào vết thương. Tránh va chạm vào vật dụng và giữ vệ sinh không gian chung. Đeo khẩu trang và che vết thương nếu có tiếp xúc với người khác. Súc miệng bằng nước muối khi có vết thương trong miệng. Tắm với nước ấm pha baking soda nếu có vết thương trên da.

Khi nào bệnh nhân cần được theo dõi tại cơ sở y tế, thưa bác sĩ ?

- Hiện nay, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể tự cách ly và theo dõi tại nhà mà không cần phải cách ly tại cơ sở y tế. Trừ các trường hợp nặng cần phải theo dõi bởi cán bộ y tế. Vì vậy, trường hợp người bệnh cách ly tại nhà hãy giữ liên lạc với nhân viên y tế và nhờ giúp đỡ ngay khi vết phát ban trở nên đau và có dấu hiệu nhiễm trùng (đỏ tấy, mưng mủ, gây sốt), chóng mặt hoặc không tỉnh táo, không ăn hay uống được, khó thở.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 14-8-2024.

 

Xin cảm ơn bác sĩ !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>