Nguy hiểm tính mạng khi trẻ nhỏ mắc dị vật đường thở

19/09/2024 | 05:42 GMT+7

Dị vật đường thở là một tình trạng cấp cứu khẩn cấp do dị vật có thể gây tắc đường dẫn khí, dẫn đến suy hô hấp cấp tính, có nguy cơ tử vong cao và để lại biến chứng nặng nề nếu không được xử lý kịp thời.

Bé Khánh A. được bác sĩ khám, theo dõi sau khi gắp hạt cà na ra khỏi mũi.

Không ít trường hợp mắc dị vật đường thở

Mới đây, tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh tiếp nhận một trường hợp trẻ bị dị vật đường thở, là bé Đỗ Huỳnh Khánh A., 44 tháng tuổi, ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, vào khám cấp cứu vì chảy máu mũi do gắp dị vật ở mũi thất bại tại tuyến dưới. Bác sĩ Võ Thị Diễm Trinh, Khoa Liên chuyên khoa Mắt, Răng - hàm - mặt, Tai - mũi - họng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, thông tin: “Bé vào cấp cứu với tình trạng quấy khóc, niêm hồng, môi hồng, cánh mũi 2 bên được nhét mét, chảy máu không cầm được. Chúng tôi chẩn đoán là trường hợp dị vật đường thở. Tôi đã cùng kíp trực cấp cứu tổng hợp dùng ống soi mềm, nội soi tai - mũi - họng cấp cứu, gắp dị vật là hột cà na, nằm sâu ở ngách mũi dưới, lúc này niêm mạc mũi xước trợt, chảy máu”.

Sau khi các bác sĩ thực hiện thành công gắp dị vật, bé A. được nằm viện để được theo dõi thêm. Trải qua sự việc này, khiến gia đình trẻ rất lo sợ. Bà Huỳnh Thị Cẩm Nh., mẹ của Khánh A., chia sẻ: “Hai bé chơi với nhau, sau đó con tôi nói đau mũi, tôi xem thấy có một vật trong mũi. Hỏi mới biết là do bé kia nhét vô. Vợ chồng tôi đưa cháu đi gắp dị vật ra ở một  cơ sở tư nhân. Nhân viên y tế ở đó lấy ra không được, mũi bé bị chảy máu nên mới chuyển lên bệnh viện này”.

Những trường hợp mắc dị vật đường thở như bé Khánh A. rất thường gặp ở các bệnh viện.

Bác sĩ Diễm Trinh cho biết: “Có trường hợp gia đình để trẻ chơi viên pin, mắc dị vật là pin sẽ gây tổn thương nghiêm trọng. Có trường hợp trẻ nhét dị vật vào nhưng gia đình không hay. Trước đây, có trường hợp bé nhét con mắt của gấu bông vào mũi nhưng gia đình không biết, bé bị chảy mũi một bên và đau mũi nên đưa đến bệnh viện khám. Do lâu ngày không phát hiện đã bị viêm loét, tổn thương nhiều”.

Cha mẹ đừng chủ quan, sơ cứu đúng cách khi trẻ bị mắc dị vật đường thở

Theo bác sĩ Võ Thị Diễm Trinh, dị vật đường thở là tình trạng vật lạ rơi vào đường thở gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn đường dẫn khí. Trẻ sẽ đột ngột thấy khó thở hoặc không thở được, có thể tử vong nhanh chóng hoặc để lại di chứng nặng nề do tổn thương các tạng không hồi phục như não, gan, thận. Không chỉ các em tự nhét dị vật vào hay bạn cùng chơi nhét vào do chưa ý thức được mà đôi khi là tai nạn ở trẻ em khi vừa ăn vừa nói, cười hoặc trẻ ăn không đúng cách khiến thức ăn hoặc đồ vật rơi vào đường thở.

Để bảo vệ trẻ khỏi mắc dị vật đường thở, bác sĩ Diễm Trinh khuyến cáo cha mẹ có con nhỏ hoặc người trực tiếp chăm sóc trẻ phải luôn cảnh giác phòng ngừa. Không cho các bé còn nhỏ chơi đồ chơi quá nhỏ, nếu cho chơi cần có sự quan sát của người lớn. Thận trọng khi cho trẻ ăn thức ăn trơn, dễ hóc như thạch, trân châu. Loại bỏ sạch sẽ hạt của các loại quả dễ gây hóc như hạt na, hạt nhãn, hạt vải, hạt cam. Không dùng thuốc dạng viên cho trẻ dưới 4 tuổi. Tránh mọi hình thức cưỡng ép, bịt mũi khi cho trẻ ăn để ép trẻ nuốt thức ăn, đặc biệt là chất lỏng. Loại bỏ thói quen ngậm đồ vật, không cười đùa, nói chuyện trong khi ăn.

Dù nguy hiểm, nhưng theo các bác sĩ điểm mấu chốt là trẻ mắc dị vật đường thở cần được sơ cứu đúng cách, giúp cứu sống trẻ chỉ trong thời gian rất ngắn. Các gia đình khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ mắc dị vật đường thở, phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Không tự ý lấy, vì nhiều khi tự ý lấy không được sẽ vô tình đẩy dị vật sâu vào trong, nếu rơi vào đường hô hấp dưới sẽ có thể dẫn đến suy hô hấp, rất nguy hiểm...

HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>